Ngôn ngữ:

Tin hoạt động

Tọa đàm “Đánh giá điều kiện làm việc qua góc nhìn người lao động – Cơ hội hợp tác giữa Tổ chức xã hội & Công đoàn”

31/12/2021

“Kết quả khảo sát về điều kiện làm việc của NLĐ thông qua app We Check là một kho dữ liệu quý, có giá trị sử dụng cao”.

Đây là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động tại tọa đàm: “Đánh giá điều kiện làm việc qua góc nhìn người lao động – Cơ hội hợp tác giữa Tổ chức xã hội & Công đoàn” vừa được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức sáng 28/12 vừa qua tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức theo cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về ứng dụng We Check – một ứng dụng do CDI nghiên cứu và phát triển trong thời gian 5 năm và vừa được ra mắt vào tháng 10/2021.

Ứng dụng có 6 tính năng chính:

  • Người lao động tự đánh giá điều kiện làm việc dựa vào 8 tiêu chuẩn lao động cơ bản
  • Người lao động tự đánh giá tình trạng sức khỏe nghề nghiệp
  • Tư vấn pháp luật lao động và sức khỏe nghề nghiệp bởi luật sư, chuyên gia y tế, bác sỹ có chuyên môn
  • Hướng dẫn người lao động tập luyện bằng các bài tập hàng ngày nhằm nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh nghề nghiệp
  • Cung cấp tài liệu tham khảo là các quy định pháp luật, sức khỏe nghề nghiệp và các tài liệu khác mà NLĐ quan tâm
  • Mới & Hot: Thông tin cập nhật liên quan đến người lao động

Cover 1024x577

Sau 2 tháng triển khai, đến nay, có hơn 500 người lao động đã cài đặt và sử dụng ứng dụng, trong đó khoảng 400 NLĐ đã tự đánh giá về điều kiện làm việc thông qua We Check.

Dựa vào kết quả mà NLĐ đã tự đánh giá điều kiện làm việc của mình, nhóm nghiên cứu đã  tổng hợp, phân tích và đưa ra những phát hiện ban đầu đáng chú ý như:

  • Không có tiêu chí nào của tất cả tiêu chuẩn lao động được thực hiện đầy đủ 100%
  • Ngành may mặc được đánh giá ở mức điểm trung bình cao hơn ngành điện tử ở tất cả 8 tiêu chuẩn lao động.
  • Các doanh nghiệp (DN)thực hiện chưa đầy đủ nhất ở các tiêu chí chủ yếu nằm ở nhóm tiêu chuẩn 02 về Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể và tiêu chuẩn 06 về Thời gian làm việc hợp lý.

Về đặc thù điều kiện làm việc trong đại dịch Covid-19, kết quả khảo sát cho thấy các DN chưa thực hiện tốt việc thành lập tổ Covid-19 làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện 5K ở nơi làm việc. Tuy nhiên, các tiêu chí khác được thực hiện đầy đủ với tỉ lệ khá cao.

Img 8720 1024x683
Bà Ngô Thị Trang, đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng We Check trình bày kết quả khảo sát về điều kiện làm việc của NLĐ

Lý giải về kết quả khảo sát này, TS. Đỗ Quỳnh Chi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Quan hệ Lao động ERC cho rằng, các DN dệt may thường thuê bên thứ 3 giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động trong khi các DN điện tử thường ở đầu hoặc cuối chuỗi cung ứng nên thường tự đánh giá chứ không có bên thứ 3 tham gia vào. T.S Đỗ Quỳnh Chi đánh giá cao thiết kế và cách tiếp cận NLĐ của We Check, cho đây là một công cụ đa dụng, đặc biệt khi các khảo sát tạo thành chuỗi và có kết quả xuyên suốt nhiều năm.

Bà Nguyễn Thị Thủy, chuyên viên Ban Tuyên giáo-Nữ công, Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết Dệt may là một trong số những đơn vị đầu tiên ký Thỏa ước lao động tập thể ngành từ năm 2010 với khoảng 80 doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp dệt may khi ký kết hợp đồng sản xuất cho các nhãn hàng thì phải tuân thủ những tiêu chuẩn rất cao do nhãn hàng đặt ra nên phải nỗ lực cải tiến điều kiện làm việc cho NLĐ nếu không muốn tự đào thải. Chính vì thế, trong những năm gần đây, điều kiện làm việc của NLĐ tại các doanh nghiệp dệt may được cải thiện đáng kể, phúc lợi xã hội cũng tốt lên nhiều so với trước.

Bà Thủy cũng đánh giá rất cao ứng dụng WE CHECK. Bà cho rằng đây là một kênh ‘’nắm bắt dư luận’’ rất kịp thời và thực tế, phản ánh trung thực ý kiến của người lao động, giúp Công đoàn và Doanh nghiệp đưa ra các biện pháp xử lý nhanh chóng, hợp lý và hiệu quả.

Img 8759 1024x683
Bà Nguyễn Thị Thủy – chuyên viên Ban Tuyên giáo – Nữ công, Công đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh những đánh giá tích cực, các chuyên gia cũng cho rằng CDI nên (i) cố gắng tiếp cận thêm nhiều người lao động, tăng số lượng người lao động sử dụng ứng dụng để tự đánh giá điều kiện làm việc và sức khỏe nghề nghiệp, đặc biệt mở rộng tới NLĐ ở các doanh nghiệp miền Nam, (ii) điều chỉnh ngôn ngữ câu hỏi để NLĐ cảm thấy thân thiện và dễ hiểu hơn, (iii) có thiết kế hợp lý để NLĐ có thể thực hiện khảo sát định kỳ hoặc có phản hồi tức thời tùy thuộc vào tính cấp bách của vấn đề…

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện công đoàn tham gia tọa đàm đã bước đầu thảo luận định hướng hợp tác giữa các Tổ chức xã hội và Công đoàn trong việc sử dụng kết quả đánh giá điều kiện làm việc thu được từ ứng dụng We Check nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.

Nhóm phát triển ứng dụng và phân tích dữ liệu cũng đưa ra khuyến nghị đối với công đoàn các cấp về việc tăng cường đối thoại, thương lượng với DN về những tiêu chí mà DN chưa làm tốt, công đoàn cơ sở nên sử dụng đa dạng nguồn thông tin đánh giá về ĐKLV để làm đầu vào cho đối thoại tại nơi làm việc.

Img 8768 1024x826
Bà Kim Thu Hà – cố vấn CDI – phát biểu tại hội thảo
Img 8773 748x1024
Bà Dương Thị Việt Anh – Trưởng đại diện tổ chức Fair Ware tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Img 8799 2 867x1024
Ông Nguyễn Quang Thương – Quyền Giám đốc điều hành CDI – phát biểu tổng kết hội thảo.
Img 8774 1024x683
Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. Các đại biểu tham dự được test nhanh covid-19 ngay trước khi diễn ra hội thảo.
43
BTC và đại biểu dự hội thảo trực tiếp chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo

CDI Vietnam.