Ngôn ngữ:

Câu chuyện

Thương mại công bằng đến với người nông dân Cầu Đất

30/11/2016

Bác Nguyễn Bông là một nông dân trồng cà phê lâu năm tại thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Diện tích canh tác của gia đình bác Bông hiện là 2 hecta. Trồng cà phê đã mấy chục năm nay, nhưng đến năm 2015 bác mới được biết đến khái niệm Hợp tác xã (HTX) Thương mại công bằng (TMCB) và cũng trong năm này, bác là một trong những nông dân đầu tiên tham gia vào HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ cà phê và nông sản TMCB Cầu Đất.

 

Bac Bong 2

 

 

Tuổi đã cao nhưng bác có nhận thức khá tốt về các tiêu chuẩn của Thương mại công bằng cũng như các yêu cầu cụ thể về kỹ thuật… Trao đổi với chúng tôi, từ người nông dân hiền hậu ánh lên sự nhiệt tình và niềm tin vào con đường đã chọn.

Trước khi tham gia HTX, người nông dân sản xuất, kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất và luôn được nhắc đến là sự bấp bênh trong giá cả khi bán cà phê “Khi bán tươi nông dân cũng gặp nhiều khó khăn lắm cô. Hái tươi mà cho chín đàng hoàng là giá khác, mà chín mà đôi lúc cũng có lộn ít xanh, hoặc chúng tôi đi cái vườn xa quá hái mà chưa chở về kịp để về úng thì lại hạ giá tiếp… Giá cả thì cứ theo giá cả của thị trường thôi cô. Có công ty đưa về rồi thương lái ảnh cứ bán là bao nhiêu, rồi ảnh kêu mình bao nhiêu thì mình cũng chịu vậy thôi.”

Khái niệm Thương mại công bằng đối với người nông dân đã có tuổi được hiểu khá nôm na và chưa thực sự chính xác, tuy nhiên cũng nói lên được phần nào đó những vượt trội của HTX TMCB so với sản xuất cá thể hay HTX truyền thông trong cách hiểu của người nông dân, nhất là đối với việc thương lượng tập thể và sự cần thiết phải tuân theo các tiêu chuẩn của Fairtrade khi tham gia hợp tác xã: “Công bằng là trong xã viên không phải anh nào mua giá cao, anh nào mua giá thấp, nó công bằng với nhau hết, rồi làm ra cái điều kiện nó phải như nhau.” Bản thân bác Bông cũng tự trang bị các dụng cụ và tuân thủ nghiêm túc theo những tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của Fairtrade.

Bac Bong 1 (1)

Ảnh: Bác Bông thu hoạch trái chín trong rẫy cà phê

Trong quy trình canh tác, gia đình bác không dùng phân hoá học để bón cho cà phê, sau khi hái tươi cũng phải phơi khô trong vòng đạt tiêu chuẩn. Vi quy trình thu hoạch cà phê nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn TMCB, gia đình bác cũng phải thuê nhiều nhân công hơn trong mùa thu hoạch. Trước, chỉ cần thuê 10 công cho để thu hoạch 1 tấn cà phê tươi thì ngay cần 17 công. Bác vẫn mong muốn được tiếp tục cập nhật, học hỏi những kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng cây cà phê. “Chúng tôi mong rằng khi chúng tôi vô HTX thì HTX có những kỹ thuật đi sát với dân, với xã viên để cây cà phê được phát triển mạnh, năng suất cao”.

Để bù lại công lao đó, cà phê của gia đình bác cũng bán được giá hơn khi vào kênh TMCB. Năm ngoái, sản lượng cà phê của gia đình bác là 30 tấn tươi. Bác bán vào HTX được khoảng 30-40 sản lượng này, với giá 11,000 – 12,000 VNĐ/ kg, trong khi giá mua tươi ở ngoài chỉ khoảng 9,000 VNĐ/kg. Còn đối với cà phê khô, với chất lượng vượt trội do quá trình sơ chế kỹ lưỡng so với hàng trôi nổi ở ngoài, giá cà phê bán vào kênh TMCB có thể lên đến 160% so với giá thị trường (năm 2015, giá cà phê khô bán vào HTX Cầu Đất là 80,000 VNĐ, còn giá ngoài chỉ 50,000 VNĐ). Những kết quả bước đầu này đem lại niềm vui cho nhiều hộ nông dân, những người tiên phong tham gia vào HTX TMCB, một mô hình còn rất mới tại xã Xuân Trường. Những kết quả này cũng bù lại công chăm sóc, tưới hái của những người nông dân, để họ có thể tiếp tục tin tưởng vào những kỹ thuật nhận được qua tập huấn, đem lại những giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng.

Cầu Đất là 1 HTX mới thành lập, nhưng bác Bông chia sẻ với chúng tôi mong muốn của mình đối với HTX: “Bây giờ chúng tôi vô được HTX, thì tôi mong cho HTX chúng tôi đi tìm cái đầu ra, là sản phẩm chúng tôi làm ra, và cái đầu vô là phân bón cho nó nhẹ nhàng… Khi đã vô HTX rồi thì chúng tôi nghĩ rằng mình là 1 xã viên mình phải tuân theo cái luật lệ trong HTX, với lại cái đăng ký cà phê sạch, đúng kỹ thuật. Mong rằng HTX chúng ta ngày càng bền vững, nắm chặt giá cả thị trường để hơn ngoài HTX 1 chút”. Những mong muốn và cả những cam kết của xã viên cũng chính là động lực để Ban quản trị HTX phấn đấu cùng bà con xã viên ngày một đưa HTX đi lên và phát triển bền vững.