Ngôn ngữ:

Hoạt động

PHIÊN THẢO LUẬN BÊN LỀ VỀ SỰ THAM GIA CÓ Ý NGHĨA CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG CHU TRÌNH THẨM ĐỊNH TRONG KHUÔN KHỔ DIỄN ĐÀN OECD VỀ KINH DOANH CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG NGÀNH DỆT MAY VÀ DA GIÀY

23/02/2024

Trong tuần vừa qua, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã phối hợp với các thành viên trong Sáng kiến Dệt may bền vững – Cùng nhau thay đổi (STITCH) tổ chức phiên thảo luận bên lề trong khuôn khổ diễn đàn #OECD, với nội dung chính về thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan trong tiến trình thực hiện thẩm định kinh doanh có trách nhiệm (#HRDD) trong chuỗi cung ứng Dệt may toàn cầu. Nội dung của phiên thảo luận nhấn mạnh vai trò trung tâm của các bên liên quan tại các nước sản xuất như người lao động, công đoàn, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, đồng thời chia sẻ một số các công cụ mang giá trị thực tiễn trong quá trình thẩm định kinh doanh có trách nhiệm. Sự kiện đã thu hút sự tham gia đa dạng từ các diễn giả đến từ các tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội, các nhà cung ứng, và các sáng kiến đa bên liên quan. 

Đại diện CDI đã có phần chia sẻ về ứng dụng trên điện thoại WE CHECK – một công cụ hữu ích dành cho Người lao động tự đánh giá điều kiện làm việc cũng như gửi các câu hỏi và thắc mắc để được tư vấn và giải đáp bởi các bên liên quan.  

STITCH, cùng với hơn 170 người tham gia, đã tìm kiếm những giải pháp khác nhau để thúc đẩy các bên liên quan có các tác động mạnh mẽ hơn, tham gia có ý nghĩa hơn trong chu trình thẩm định nhằm cải thiện điều kiện làm việc và thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi giá trị da giày và dệt may toàn cầu.  

Sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình #thẩm_định_kinh_doanh_có_trách_nhiệm, đặc biệt là khi Liên minh Châu Âu đang tiến hành thông qua Chỉ thị về Thẩm định kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp (#CSDDD). Đối với các thương hiệu trong ngành may mặc, để định hướng và ứng phó trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp cần phải giải quyết một loạt câu hỏi về cách tạo ra với các bên liên quan. Dưới đây là một số điểm cần chú ý trong phiên họp: 

  • Sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan đòi hỏi sự hợp tác sâu sắc giữa các bên liên quan được xác định; chỉ qua sự hợp tác sâu sắc mới có thể tạo ra thành tựu có ý nghĩa và thực sự bền vững. 
  • Sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan cần tập trung vào những bên liên quan tại quốc gia sản xuất; kinh nghiệm và tiếng nói thực tế của họ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ, cũng như thực hành kinh doanh và mua hàng có trách nhiệm một cách bền vững. 
  • Sự tham gia của các bên chỉ thực sự có ý nghĩa khi tiếng nói của người lao động được lắng nghe và được tính đến trong các quyết định của các bên liên quan trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.  
  • Sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan là một quá trình liên tục được tích hợp trong toàn bộ chu trình #thẩm_định_kinh_doanh_có_trách_nhiệm của một thương hiệu. 

————————————————————————————————————————————— 

STITCH (Sustainable Textile Initiative: Together for Change) là một liên minh gồm sáu tổ chức: Trung tâm Phát triển và Hội Nhập (CDI Vietnam), Cividep India, CNV Internationaal, Ethical Trade Initiative UK, Fair Wear Foundation và Mondiaal FNV. STITCH hướng tới một tương lai mà ngành công nghiệp may mặc góp phần xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng qua việc tôn trọng quyền của người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững.