Ngôn ngữ:

Hoạt động khác

Hội nghị khu vực lần thứ 5 Mạng lưới An sinh Xã hội châu Á: Tăng trưởng kinh tế cần song hành với thúc đẩy an sinh xã hội

26/08/2016

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia và thảo luận các sáng kiến cấp khu vực, từ ngày 22 đến 24 tháng 8 năm 2016, Mạng lưới An sinh Xã hội châu Á đã tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 5 tại Jakarta, Indonesia. Hội nghị nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội và kêu gọi tăng cường các sáng kiến cấp khu vựcvề an sinh xã hội cho người lao động.

Mặc dù châu Á là khu vực cótốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, bất bình đẳng vẫn tiếp tục gia tăng và nghèo đói vẫn tồn tại trong khu vực. Tỉ lệ nghèo giảm chậm, tỉ lệ thất nghiệp và việc làm không ổn định tănglên và hàng triệu người lao động vẫn đang sống trong nghèo đói. Những người bị ảnh hưởng bất lợi nhất là những người thuộc nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn thương, trong đó có lao động thuộc khu vực phi chính thức, lao động nữ và lao động di cư.

Trong khi an sinh xã hội (ASXH) có nghĩa là tất cả mọi người, đặc biệt là những người thiệt thòi được đảm bảo cuộc sống với những nhu cầu căn bản, một số quốc gia châu Á đang từng bước giảm dần vai trò của họ trong việc bảo đảm phúc lợi của người dân. Điều này được thể hiện theo những cách khác nhau, chẳng hạn như cắt giảm đáng kể ngân sách nhà nước cho ASXHvà tư nhân hóa các dịch vụ công.Ngay cả trong các chương trình ASXH của mình, vai trò của các chính phủ cũng còn hạn chế. Ví dụ như, hầu hết các chương trình bảo hiểm xã hội là dựa trên sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động. Lao động phi chính thức, những người không có thu nhập ổn định phải đóng toàn bộ chi phí. Chính phủ chỉ quản lý các quỹ và thanh toán trợ cấp. Khi người lao động kêu gọi tăng trợ cấp, chính phủ lại gặp khó khăn do thiếu nguồn lực.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 22 đến 28 tháng 8 năm 2016, Mạng lưới An sinh Xã hội châu Á (AROSP) tổ chức Hội nghị khu vực lần thứ 5 tại Jakarta, Indonesia nhằm thảo luận về vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo ASXH, các sáng kiến thành công cấp cơ sở và kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực cũng như kế hoạch hành động trong tương lai.

Tham dự hội nghị có hơn 70 đại biểu đến từ các tổ chức Công đoàn, đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội và người lao động tại 13 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực (bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Phillippines, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Srilanka, Nepal, Hongkong, Trung Quốc). Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới ASXH trong bối cảnh từng quốc gia và khu vực, các xu hướng lao động trong thời gian tới, vai trò của nhà nước cũng như khu vực tư nhân, những khó khăn của các nhóm lao động thiệt thòi, ngân sách và huy động tài chính cho ASXH cũng như giải pháp cho các vấn đề đặt ra. Đại diện CDI cùng với đại diện của tổ chức Oxfam Việt Nam và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) đã giới thiệu khái quát về hệ thống ASXH của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ người lao động và vận động chính sách. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tiến hành các phiên thảo luận sâu để xác định vấn đề ưu tiên và lập kế hoạch hành động cho từng khu vực đặc thù bao gồm Cộng đồng ASEAN, khu vực các nước Nam Á và nhóm các nước Đông Á.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất các nước châu Á cần hướng tới một hệ thống ASXH toàn diện, không chỉ đảm bảo quyền lợi của những người đóng – hưởng mà còn đảm bảo phúc lợi cho toàn xã hội, đặc biệt là các nhóm thiệt thòi, vàthúc đẩy xã hội phát triển. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có một chiến lược phát triển kinh tế dài hạn lấy con người làm trung tâm, được xây dựng trên cơ sở sự tham gia tích cực từ cấp cộng đồng. Các chương trình ASXH phải được thực thi với cách tiếp cận dựa trên quyền con người. Việc huy động cũng như phân bổ ngân sách và các nguồn lực quốc gia cần đảm bảo minh bạch và có tính giải trình, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Đại diện các tổ chức tham dự hội nghị cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động từ cộng đồng, nâng cao năng lực cho người lao động và các tổ chức liên quan, đoàn kết và hỗ trợ  người lao động tại cấp quốc gia và khu vực, hướng tới các chiến dịch và vận động chính sách hiệu quả hơn.

CDI Vietnam.