Ngôn ngữ:

Hoạt động

Toạ đàm “Một số nội dung điều chỉnh trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động”

07/02/2017
“Chúng ta đều đã kiệt sức sau công việc, nhưng bất cứ khi nào ai đó xin giảm thời giờ làm thêm là họ đã bị sa thải” (Worker rights consortium, 2013).

Đó là trích dẫn mà đại diện tổ chức GIZ đã đề cập trong phần trình bày của mình tại toạ đàm “Một số nội dung điều chỉnh trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động” ngày 19/01/2017, do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Mục tiêu của Hội thảo nhằm Giới thiệu kết quả khảo sát của CDI và các đối tác phối hợp về phản hồi của người lao động đối với vấn đề giờ làm thêm và thảo luận các khuyến nghị liên quan đến điều chỉnh giờ làm thêm và chính sách dành cho lao động nữ gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Pháp chế, Cục An toàn Lao động – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện nghiên cứu Công nhân Công đoàn; chuyên gia từ các Viện nghiên cứu và tổ chức quan tâm đến các vấn đề lao động; các tổ chức thành viên của mạng lưới M.net; đại diện tổ chức GIZ; đại diện người lao động từ một số khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc, Hải Dương và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Các nội dung chính của chương trình bao gồm các phần trình bày về Tác động dự kiến của điều chỉnh thời giờ làm thêm trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động của đại diện tổ chức GIZ; Một số kết quả khảo sát phản hồi của người lao động về quy định giờ làm thêm trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động từ đại diện CDI; Một số kiến nghị và phản hồi của công chúng về các nội dung dự kiến sửa đổi liên quan đến chính sách dành cho lao động nữ từ nhóm thanh niên CEPEW và phần thảo luận chung toàn hội trường về các nội dung dự kiến sửa đổi liên quan đến chính sách dành cho lao động nữ.

Trong các bài trình bày của mình về vấn đề giờ làm thêm, đại diện tổ chức CDI và GIZ đề cập rằng Dự thảo Luật lao động đang thể hiện 2 Phương án tại Điều 106 để xin ý kiến (http://dantri.com.vn/viec-lam/sua-luat-lao-dong-de-xuat-tang-gio-lam-them-voi-2-phuong-an-20161214092007231.htm). Cả 2 phương án này đều là tăng giờ làm thêm và với mức cao hơn nhiều so với quy định hiện tại. Việc làm thêm giờ quá nhiều dẫn đến rất nhiều hệ quả như gia tăng mệt mỏi sau giờ làm thêm; làm việc kéo dài gắn liền với rủi ro sức khỏe, bệnh nghề nghiệp; làm việc kéo dài gắn liền với tai nạn lao động; thu nhập từ làm thêm không đủ để bù đắp chi phí gửi con, dạy học; người lao động có ít thời gian cho cá nhân, gia đình, và bạn bè, từ đó ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình, xã hội… Tuy nhiên rất nhiều người lao động vẫn phải làm thêm vì theo một cuộc khảo sát online của CDI với số lượng mẫu là 1000, có đến 44,8% người trả lời khảo sát nêu lý do làm thêm giờ là do thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của bản thân. Đồng thời, người lao động cũng ở thế yếu hơn trong việc thương lượng với người sử dụng lao động.

Do đó, 2 tổ chức này đề nghị để người lao động được đảm bảo một mức lương đủ sống; bảo vệ và đầu tư cho nguồn nhân lực của đất nước; để người lao động được cân bằng công việc – cuộc sống vì một tương lai tốt đẹp hơn, “giờ làm thêm” phải là một nội dung bắt buộc trong thương lượng tập thể. Đồng thời cần có những phân tích, kết luận chuyên môn về khả năng làm thêm giờ và duy trì sức khỏe của người lao động Việt Nam trong điều kiện lao động hiện nay (Y học lao động) và làm rõ các nội dung chưa được xác định về làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt.

#overtime #lamthemgio #giolamthem #tangca #luatlaodong

CDI Vietnam.