Ngôn ngữ:

Hoạt động

Nhiều tổ chức đã đưa ra khuyến nghị cho Bộ luật lao động sửa đổi

12/03/2019
Vừa qua, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Mạng lưới hành động vì người lao động di cư (Mnet) và Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn các khuyến nghị chính sách cho Bộ luật lao động sửa đổi.
54256328 963709357169148 967620822862659584 N (1)

Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia Hội thảo, trong đó có thành viên tổ soạn thảo dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, các tổ chức xã hội hiện đang hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, luật sư, đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và công đoàn, doanh nghiệp, VCCI, chuyên gia nghiên cứu từ các trường đại học và đặc biệt có sự tham gia của những người lao động. Năm 2018, đi cùng dòng chảy với tiến trình sửa đổi Bộ luật lao động, các thành viên M.net đã rà soát các văn bản, tài liệu liên quan, các nghiên cứu hiện có và tham vấn các nhóm lao động về các nội dung dự kiến sửa đổi, như tổ chức đại diện NLĐ, tiền lương, thời gian làm thêm và một số chính sách dành cho lao động nữ. Đại diện của Vụ pháp chế nhận định rằng, Hội thảo là cơ hội để các bên chia sẻ quan điểm, ý kiến, mong muốn và các đề xuất cho Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi. Tại đây, đại diện Chính phủ cũng đã trao đổi các căn cứ lập pháp, những cân nhắc, quan điểm và tư tưởng của Bộ luật lao động sửa đổi.

53698471 963709347169149 2770572463644344320 N (1)

Với kinh nghiệm làm việc lâu năm về hỗ trợ lao động di cư, các tổ chức thành viên M.net đã và đang làm việc trực tiếp với NLĐ trên địa bàn cả nước (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đồng Nai…). Hiện nay, M.net đang làm việc với 78 nhóm NLĐ trong các ngành nghề khác nhau: công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất (đặc biệt trong hai ngành may mặc và điện tử); công nhân xây dựng, phụ nề, nhóm bán hàng rong, thu mua đồng nát, thu gom rác dân lập, nhóm giúp việc gia đình, giúp việc trong các cơ sở dịch vụ, người bán hàng nhỏ lẻ… Trong quá trình hoạt động, các tổ chức thành viên M.net thường xuyên trao đổi và ghi lại các mong muốn và các vấn đề NLĐ quan tâm, nhu cầu và những đề xuất phát của họ.

53732594 963709370502480 6223490500477845504 N (1)

Tại Hội thảo, các tổ chức thành viên mạng lưới M.net (Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng (SDRC), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) và CDI) đã trình bày các khuyến nghị của mình về các chính sách: tổ chức đại diện của người lao động, lương tối thiểu và làm thêm giờ, chính sách cho lao động nữ. 16 khuyến nghị đã được đưa ra thảo luận, trong đó, CDI đưa ra những khuyến nghị về chính sách lương tối thiểu và làm thêm giờ như sau:

1). Thành lập tổ chức đại diện là cần thiết

2). Đề xuất một số điều kiện thành lập, lãnh đạo và thành viên của tổ chức đại diện người lao động

3). Chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Tổ chức đại diện NLĐ

4). Đề nghị giữ nguyên khái niệm và căn cứ tính mức lương tối thiểu dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ như quy định hiện hành

5). Đề xuất một số điều chỉnh đối với căn cứ và phương pháp xác lập mức lương tối thiểu

6). Cần xem xét đến tác động đa chiều của lương tối thiểu, bên cạnh những tác động tiêu cực, cần phân tích đầy đủ các tác động tích cực

7). Quy định về khung thời gian làm thêm giờ phải dựa trên nhu cầu của NLĐ, các nghiên cứu sâu về sức khỏe của NLĐ Việt Nam.

8). Tăng cường các quy định đảm bảo việc trả lương làm thêm giờ đầy đủ và thỏa đáng cho NLĐ

9). Khi bỏ giới hạn thời gian làm thêm tối đa theo tháng, cần đặt ra giới hạn về thời gian làm thêm giờ không quá 12 giờ/tuần

10). Nâng giới hạn làm thêm cần được hiểu theo hướng mở rộng khung thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ, không phải là mở rộng “quyền huy động làm thêm” của NSDLĐ để buộc NLĐ làm thêm giờ

11). Cần có hướng dẫn cụ thể khái niệm về công việc có giá trị như nhau (ngang nhau) để đảm bảo việc trả lương bình đẳng theo giới tính

12). Cần xây dựng và ban hành qui định kiểm tra, giám sát và xử lý về vấn đề ký kết hợp đồng lao động với LĐGVGĐ

13). Quy định rõ hơn về việc đào tạo nghề và đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ

14). Quy định rõ hơn về chính sách đảm bảo sức khỏe sinh sản cho lao động nữ.

15). Quy định chi tiết hơn về phòng chống và xử lý quấy rối tình dục

16). Quy định nghĩa vụ của NSDLĐ trong giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ

Các khuyến nghị đưa ra thảo luận đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý và đồng tình từ những người tham dự để đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người lao động.

Cũng tại đây, người lao động đã được trực tiếp trao đổi ý kiến, quan điểm của mình với những người soạn thảo chính sách bằng các câu chuyện chân thực khiến những người tham dự xúc động và suy nghĩ: Vì đâu mà Người lao động không thấy mặt trời? Làm thế nào để người lao động không phải tăng ca đến kiệt sức mà vẫn đủ sống?

Hội thảo được kỳ vọng không chỉ là cơ hội để Chính phủ, ban soạn thảo, người lao động, doanh nghiệp và các bên liên quan chia sẻ ý kiến, góc nhìn và mong đợi của các bên, mà còn là thời điểm để Bộ luật lao động sửa đổi theo hướng hoàn thiện và thiết thực hơn, đảm bảo quyền của người lao động, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

CDI Vietnam.