Ngôn ngữ:

Hoạt động

Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách (OBI) Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019

02/07/2020

Ảnh Toàn Cảnh Mobi 1024x683

Ngày 1/7/2020, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) – 2 thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), đã công bố Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019. Kết quả cho thấy Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách ở cả cấp quốc gia và cấp bộ, ngành. Quan trọng, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở cho việc cải thiện hơn nữa mức độ công khai, minh bạch, và sự tham gia của công chúng.

1. Chỉ số công khai ngân sách (OBI)

Điểm số công khai minh bạch ngân sách (OBI) của Việt Nam đã tăng mạnh đạt 38/100 điểm, so với 15/100 điểm ở kỳ khảo sát OBI 2017. Sự tăng điểm mạnh ở trụ cột công khai ngân sách (NS) đã góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách, lên vị trí 77/117 nước. Kết quả khảo sát OBS 2019 cho thấy điểm xếp hạng của Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Sự tiến bộ ở điểm OBI tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia Đối tác Chính phủ mở. 

Theo TS. Ngô Minh Hương, kể từ khi tham gia khảo sát công khai ngân sách (OBS) năm 2006, sau 7 kỳ khảo sát, chỉ số OBI của Việt Nam có xu hướng tăng và giảm nhẹ qua các kỳ đánh giá 2010-2017 và tăng nhanh trong khảo sát OBS 2019.

Với việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. 

Việt Nam đã thực hiện công bố 7/8 tài liệu NS chủ chốt cần được công khai. Đặc biệt, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội và dự toán NSNN được Quốc hội quyết định, kèm theo Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ dễ hiểu là tiền đề để người dân nắm bắt thông tin ngân sách dễ dàng hơn, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách. (7 tài liệu này gồm: Định hướng xây dựng ngân sách; Dự thảo dự toán ngân sách; Dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định; Báo cáo ngân sách công dân; Báo cáo ngân sách quý; Báo cáo ngân sách cuối năm; Báo cáo kiểm toán).

Duy nhất còn Báo cáo 6 tháng chưa được Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) công nhận là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế, vì chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo NSNN cả năm, mặc dù Báo cáo này đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và công khai. Đây là một đặc thù của Việt Nam do Quốc hội có kỳ họp cuối năm vào cuối tháng 10, nên thời điểm Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước cả năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội muộn hơn khoảng 20 ngày so với chuẩn quốc tế (IBP quy định báo cáo giữa kỳ phải công bố trước ngày 30/9 của năm báo cáo).

Bà Đinh Thị Mai Anh, Trưởng phòng Quản lý Ngân sách, Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính chia sẻ nhiều cam kết của Bộ trong việc tăng cường hướng dẫn và giám sát các địa phương, các bộ/ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và nỗ lực tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của người dân về tình hình công khai ngân sách, đặc biệt ở địa phương mình, từ đó thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng ngân sách nhà nước của các ngành, các cấp.

2. Chỉ số công khai minh bạch ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 

Cũng tại sự kiện này, Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (TW) (MOBI) được công bố. Theo đó, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan TW đã có sự cải thiện so với năm 2018, với điểm trung bình đạt 21.2 điểm, tăng 10.2 điểm so với MOBI 2018. 31/44 Bộ, cơ quan TW có điểm khảo sát MOBI 2019 (chiếm tỷ lệ 70,45%), cao hơn con số 17 Bộ, cơ quan TW trong kỳ khảo sát MOBI 2018 (tỷ lệ 45.59%).

Trong xếp hạng MOBI 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thứ hạng cao nhất với 73.17 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5 trong 6 tài liệu ngân sách được công khai (Dự toán NSNN năm 2020, Báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý 1, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và Quyết toán năm 2018). đứng thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 49.56 điểm. 

Kết quả MOBI 2019 phản ánh một số Bộ, cơ quan TW chưa dành sự quan tâm đúng mức cho việc thực thi công khai minh bạch ngân sách, như quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC. 

7 đơn vị chỉ có thư mục “Công khai ngân sách” nhưng không đăng tải và cập nhật tài liệu.

  • Trong 18 đơn vị công bố Dự toán NSNN năm 2020, chỉ có 4 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2019.
  • Trong 17 đơn vị công bố Quyết toán NSNN năm 2018, chỉ 1 đơn vị (Thanh tra Chính phủ) công khai đúng thời hạn. 

Khảo sát MOBI tính điểm theo tiêu chí sẵn có, kịp thời, thuận tiện và đầy đủ với 6 tài liệu ngân sách bắt buộc công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị. Chia sẻ với phương pháp đánh giá của CDI và VEPR, bà Đinh Thị Mai Anh bày tỏ sự tin tưởng của Bộ Tài chính với kinh nghiệm thực hiện các đánh giá mức độ công khai minh bạch trong lĩnh vực ngân sách của CDI, cũng như tính khoa học và chính xác của kết quả khảo sát. 

Nhận xét về kết quả, bà cho biết thêm: 

“Kết quả MOBI 2019 đã tăng rất nhiều so với năm 2018, điều đó thể hiện các bộ cơ quan trung ương đã có rất nhiều nỗ lực trong công khai minh bạch ngân sách nhà nước. Tuy nhiên điểm số trung bình ở mức 21.2 điểm là mức quá thấp, ở mức ít công bố thông tin. Lưu ý rằng, căn cứ tính điểm MOBI khác với OBI. MOBI dựa vào các quy định của Luật NSNN nên các quy định khá rõ ràng, và phù hợp với điều kiện của các Bộ … Hình thức công khai trên website là hình thức bắt buộc theo quy định của Luật”.

“CDI là đối tác của IBP thực hiện khảo sát OBI. Chúng tôi tin tưởng vào tính khoa học và độ chính xác của kết quả khảo sát này.”

Ảnh Ms.mai Anh 1024x683

Bà Đinh Thị Mai Anh phát biểu tại buổi Lễ công bố

Để có được những kết quả trên, Chính phủ, Bộ Tài chính Việt Nam cũng như các Bộ, cơ quan Trung ương đã có nhiều nỗ lực công khai minh bạch ngân sách hơn và hoàn toàn có khả năng cải thiện được mức độ công khai, minh bạch ngân sách. Điều này phần nào cho thấy các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn.

Dưới đây là các tài liệu của buổi hội thảo: