Ngôn ngữ:

Hoạt động

Công bố báo cáo chỉ số công khai ngân sách 2015 (OBI 2015)

16/09/2015
Ngày 09 tháng 09 năm 2015 – Kết quả Khảo sát toàn cầu về Chỉ số Công Khai Ngân sách 2015 (OBI2015) cho thấy 98 trên 102 quốc gia chưa đạt được hệ thống công khai ngân sách ở mức đầy đủ. Tình trạng thiếu hệ thống giải trình về ngân sách của nhiều quốc gia đặt ra thách thức trong việc thực hiện các cam kết quốc tế như cam kết về Mục tiêu Phát triển Bền Vững của Liên Hợp Quốc.

Thực trạng toàn cầu và so sánh giữa các quốc gia

Khảo sát ngân sách mở 2015 của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) là cuộc khảo sát độc lập quốc tế duy nhất về Chỉ số Công Khai Ngân Sách (OBI) so sánh giữa các nước về ba trụ cột: mức độ minh bạch và công khai ngân sách, sự tham gia của công dân và các thể chế giám sát trong quy trình ngân sách. Theo công bố ngày 9/9/2015 của IBP về kết qủa OBI2015 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, 98 trên tổng số 102 nước thực hiện khảo sát thiếu các hệ thống đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả và hiệu lực của các quỹ công. Kết quả khảo sát cho thấy 98 quốc gia không có một trong ba trụ cột của bộ chỉ số, 32 quốc gia không có cả ba trụ cột. Chỉ có bốn quốc gia đạt cả 3 trụ cột là Brazil, Na Uy, Nam Phi và Hoa Kỳ với đầy đủ cơ chế minh bạch ngân sách, tạo cơ hội cho công chúng tham gia và có các thể chế giám sát mạnh là nghị viện và kiểm toán tối cao. Trong khi đó còn  32 quốc gia không đủ thông tin về cả ba trụ cột, và cung cấp rất hạn chế thông tin về ngân sách công hoặc không có thông tin nào, bao gồm Algeria, Bolivia, Campuchia, Trung Quốc, Guinea Xích đạo, Fiji, Iraq, Myanmar, Qatar và Ả-rập Xê-út.

Ông Warren Krafchik, Giám đốc điều hành tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế cho rằng, “Công chúng cần có khả năng tiếp cận thông tin ngân sách và có cơ hội tham gia vào toàn bộ quy trình ngân sách, cùng sự giám sát của cơ quan lập pháp và kiểm toán, thì sẽ góp phần giúp cho việc sử dụng công quỹ có trách nhiệm hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các biện pháp kiểm soát về ngân sách như vậy đem lại kết quả tốt hơn cho người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương.”

Chỉ số OBI cho phép so sánh giữa các quốc gia. OBI2015 có xếp hạng trung bình trong các quốc giá là 45, tăng lên so với kỳ OBI2012. Tuy nhiên, chỉ có 24 nước – ít hơn một phần tư số quốc gia được khảo sát – đạt hơn 60 điểm trên thang điểm 100.  78 quốc gia, chiếm 68% dân số thế giới không công khai đủ thông tin về ngân sách. Đặc biệt là 17 quốc gia chỉ công bố thông tin về ngân sách công ở mức độ ít hoặc không có.

Tình trạng thiếu minh bạch ngân sách sẽ dẫn đến việc hạn chế các cơ hội cho sự tham gia của  công chúng và năng lực giám  sát. 95 trên 102 nước không tạo đầy đủ điều kiện cho sự tham gia của công chúng. Thêm vào đó, khảo sát OBS cho thấy năng lực nghiên cứu và phân tích của cơ quan lập pháp, cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng trong hầu hết các cơ quan kiểm toán quốc gia, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực giám sát việc sử dụng công quỹ hiệu quả.

Sự tiến bộ đặc biệt rõ ràng tại một số nước và khu vực mà trước đó không đủ công khai minh bạch về ngân sách, bao gồm Cộng hòa Kyrgyztan (với điểm OBI tăng gần gấp 3 lần), Tunisia (với điểm OBI tăng gấp bốn lần), và khối các nước Tây Phi thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều nước đang thực hiện cải cách bằng nhiều hình thức khác nhau. Các báo cáo từ các quốc gia cho thấy các khuyến nghị cho thông lệ tốt bao gồm việc gia tăng công bố về số lượng và tính phức hợp của các tài liệu ngân sách, cải cách luật pháp và thể chế về ngân sách nhà nước, tạo cơ chế cho công chúng có ý kiến vào các quy trình xây dựng và thực thi ngân sách, và nâng cao năng lực nghiên cứu và phân tích của cơ quan lập pháp.

Kết quả khảo sát ngân sách mở của Việt Nam

Chỉ số công khai ngân sách mở của Việt Nam công bố cho năm 2015 (OBI2015) là 18 điểm trên tổng điểm 100. Mức điểm này gần như không thay đổi so với đánh giá năm 2012 (19 trên 100 điểm) và thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình toàn cầu (45 điểm). Điều này cho thấy công chúng được cung cấp ít thông tin về ngân sách.

So sánh với các nước trong khu vực, mức độ minh bạch ngân sách của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Campuchia, Myanma nhưng thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á khác như Philipin, Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan, trong đó đặc biệt Philipin đạt mức minh bạch tốt đáng kể (65 điểm).

Điểm xếp hạng ba trụ cột của xếp hạng công khai ngân sách của Việt Nam có những thay đổi đáng ghi nhận. Sự tham gia của  công chúng đối với các vấn đề ngân sách đạt 42/100 điểm thứ hạng và ở mức độ hạn chếTuy nhiên, ở trụ cột này, Việt Nam xếp cao hơn mức trung bình 25 điểm của toàn cầu và tốt hơn phần lớn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia.

Về trụ cột giám sát về ngân sách của cơ quan lập pháp và kiểm toán, Việt Nam được đánh giá là đầy đủ với điểm 61 /100 điểm xếp hạng đối với cơ quan lập pháp và 75/100 điểm thứ hạng đối với cơ quan kiểm toán. Tuy nhiên các câu hỏi khảo sát của Việt Nam cho thấy việc giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ và trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế. Cơ quan lập pháp có Uỷ ban Tài chính và Ngân sách nhưng chưa có bộ phận nghiên cứu và phân tích ngân sách riêng như thông lệ quốc tế tốt. Cơ quan lập pháp cũng không ra quyết định trong việc sử dụng quỹ dự phòng không nằm trong Ngân sách được Quốc hội thông qua.

Trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong kỳ OBI2015, Việt Nam đã công bố thêm Tài  liệu Ngân sách dành cho công dân và tăng tính phức hợp của báo cáo ngân sách trong kỳ (báo cáo quý). Tuy nhiên, Dự thảo dự toán ngân sách vẫn chưa được công bố. Hơn nữa, báo cáo giữa kỳ (6 tháng) vẫn chưa được coi là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế vì chưa có các thông tin định lượng về dự báo kinh tế vĩ mô và dự báo tài chính cho giai đoạn tiếp theo của kỳ ngân sách. Báo cáo kiểm toán nhà nước công bố chậm hơn quy định của thông lệ quốc tế (không muộn hơn 18 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính)

Về phương pháp khảo sát công khai ngân sách 2015

Mục tiêu của IBP là thúc đẩy các cơ chế vận hành ngân sách ở các quốc gia trở nên minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao hơn với công chúng từ đó tăng cường năng lực quản trị và chống đói nghèo. Bản khảo sát năm 2015 là cuộc đánh giá toàn cầu lần thứ năm. Khảo sát lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2006. Chỉ số Công khai Ngân sách (OBI) là bộ chỉ số đo lường độc lập duy nhất trên thế giới so sánh giữa các nước về mức độ minh bạch, tham gia và giám sát ngân sách. Chỉ số này xem xét mức độ minh bạch ngân sách hiện tại và sự thay đổi của nó theo thời gian; mức độ tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng vào quy trình ngân sách; và tính hiệu quả của hai thể chế giám sát chính thức là cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán tối cao.

Khảo sát Công khai ngân sách được xây dựng trên các tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức Kiểm toán Quốc tế (INTOSAI). Đây là khảo sát và nghiên cứu dựa trên bằng chứng và việc kiểm chứng trên thực tế dựa trên bộ câu hỏi chuẩn. Bằng chứng và trích lục các tài liệu về ngân sách có thể tiếp cận được bằng nguồn mở, hoặc kiểm chứng bằng các phỏng vấn với các công chức liên quan và các nhà nghiên cứu. Vòng nghiên cứu đầu tiên được thực hiện bởi nghiên cứu viên độc lập không thuộc bộ máy nhà nước. Vòng tiếp theo được đánh giá phản biện bởi một chuyên gia độc lập có chuyên môn cao về vấn đề ngân sách. IBP cũng mời các cơ quan liên quan của chính phủ phản hồi góp ý cho kết quả đánh giá ở vòng 1 và vòng 2. Toàn bộ khảo sát trong 18 tháng từ tháng 3 / 2014 đến tháng 9/2015 và có hơn 300 chuyên gia trên 102 quốc gia tham gia.

Cuộc khảo sát bao gồm 140 câu hỏi đánh giá về ba trụ cột của trách nhiệm giải trình ngân sách. Mức độ minh bạch ngân sách được chấm điểm dựa trên việc trả lời 109 câu hỏi khảo sát, với thang điểm từ 0 đến 100 cho Chỉ số Ngân sách Mở (OBI). Trụ cột thứ hai được đánh giá thông qua 16 câu hỏi về việc tạo cơ hội cho sự tham gia của công chúng. 15 câu hỏi cuối của khảo sát xem xét tính hiệu quả của trụ cột giám sát liên quan tới cơ quan lập pháp và kiểm toán tối cao của mỗi nước, với điểm số riêng biệt cho từng cơ quan.

Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới trong việc phân tích, theo dõi và vận động thay đổi quy trình ngân sách của Chính phủ, các thể chế và hiệu quả ngân sách. Tại Việt Nam, IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện những phân tích, khảo sát cho OBI2012 và OBI2015. Dự kiến báo cáo Khảo sát Công khai ngân sách 2015 của Việt Nam sẽ được công bố tại Hà Nội vào cuối tháng 10 năm 2015 cùng với sự tham gia của đại diện IBP cũng như các tổ chức, cơ quan ngân sách liên quan tại Việt Nam.

Xem toàn bộ báo cáo khảo sát theo từng kỳ từ năm 2006 đến 2015 và các báo cáo của 102 quốc gia: www.openbudgetsurvey.org