Ngôn ngữ:

Tin hoạt động

CDI tổ chức tập huấn về Đối thoại xã hội cho Doanh nghiệp và Công đoàn

29/12/2021

Backdrop Th Doi Thoai Xh 1024x576

Sáng 23 và 24/12, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã tổ chức tập huấn về Đối thoại xã hội cho các cán bộ cấp quản lý, cán bộ nhân sự và cán bộ công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp điện tử và dệt may tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

Tại buổi tập huấn, T.S Đỗ Quỳnh Chi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Quan hệ lao động ERC đã phân tích vai trò của Đối thoại xã hội trong việc thực hiện rà soát điều kiện làm việc và tiếp cận các biện pháp khắc phục, các đặc điểm của người lao động (NLĐ) Việt Nam trong đối thoại. Các đại biểu dự tập huấn cũng được nghe T.S Quỳnh Chi giới thiệu về tháp đối thoại xã hội.

2 1024x576

Trong mỗi buổi tập huấn, người tham gia không chỉ được cập nhật nhiều thông tin hữu ích qua các tham luận mà còn cùng nhau thảo luận nhóm, chia sẻ cởi mở các vấn đề nội tại của doanh nghiệp cả trong giai đoạn bình thường và trong thời gian covid để cùng tìm ra các giải pháp.

Khóa tập huấn cũng giúp các cán bộ công đoàn, nhân sự và quản lý của doanh nghiệp nâng cao kỹ năng tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, kỹ năng thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động.

Các bài tập tình huống đa dạng và gắn với thực tiễn cũng cho thấy đối thoại xã hội hiệu quả chính là công cụ phù hợp để góp phần cải thiện điều kiện làm việc và đóng góp vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Tập huấn về Đối thoại xã hội là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động “Thúc đẩy quyền và tiếng nói của lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội và điều kiện làm việc tốt hơn ở các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương”, do CDI triển khai thực hiện từ năm 2017 với sự hỗ trợ của tổ chức OXFAM tại Việt Nam.

Mục tiêu của hoạt động là:

  • Lao động di cư làm việc trong lĩnh vực điện tử và may mặc được tổ chức tốt hơn để bảo vệ quyền và lợi ích của họ;
  • Lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ và các tổ chức xã hội được nâng cao năng lực để gây ảnh hưởng trong quá trình tham vấn sửa đổi và thực thi Luật Lao động, chính sách tiền lương;
  • Khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tăng cường hỗ trợ lao động di cư để họ có được điều kiện làm việc tốt hơn, đặc biệt cải thiện các vấn đề an toàn vệ sinh lao động;

Điện tử và Dệt may là một trong các ngành thâm dụng nhiều lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Đa phần NLĐ làm việc trong các công đoạn sản xuất không mang lại nhiều giá trị gia tăng với điều kiện làm việc còn nhiều bất cập, như thời giờ làm việc kéo dài, tính luân chuyển lao động cao, và đặc biệt là việc tổ chức đối thoại cũng như cơ chế tiếp nhận và xử lý thắc mắc khiếu nại dành cho người lao động còn rất khác nhau đối với các doanh nghiệp.

Khảo sát 139 doanh nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) năm 2016 cho thấy 30% doanh nghiệp được khảo sát đã tổ chức đối thoại hàng tháng; 52% đã có các cuộc đối thoại hàng quý; 4% đã tổ chức các cuộc đối thoại sáu tháng một lần; và 14% được đối thoại mỗi năm một lần (Bộ LĐTBXH 2018). Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH, chất lượng của các cuộc đối thoại tại nơi làm việc này chưa đạt được “kỳ vọng” do nhiều doanh nghiệp thực hiện đối thoại mang tính hình thức, ít có sự tham gia của NLĐ. Theo một số nghiên cứu thực nghiệm gần đây về ĐTXH trong lĩnh vực sản xuất, đối thoại thực chất và xử lý khiếu nại hiệu quả là hiếm khi diễn ra (Do 2017). Một trong những lý do chính là năng lực của các công đoàn cơ sở trong đại diện NLĐ đối thoại với ban lãnh đạo cũng như giải quyết những phản ánh của NLĐ. Một nguyên nhân khác là do thiếu các kênh hiệu quả để đối thoại với các cấp quản lý và giải quyết khiếu nại trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường để các tổ trưởng, chuyền trưởng (supervisor) giao tiếp với NLĐ và xử lý các khiếu nại của họ mà không đưa ra một hệ thống đối thoại phù hợp (Tổ chức Fair Wear, Báo cáo về Quan hệ lao động, 2019).

Ngày 1/8/2020 Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở ra thêm cơ hội tốt để các doanh nghiệp và các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Châu Âu; bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tuân thủ tốt hơn các cam kết các vấn đề môi trường và lao động, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế của tổ chức Lao động quốc tế ILO.  Trong tiến trình đạt được các cam kết này, đối thoại xã hội được đánh giá là công cụ cơ bản và hiệu quả. Nhưng cụ thể đối thoại xã hội trong doanh nghiệp gồm những cấu phần gì, hoạt động như thế nào mới hiệu quả thì không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu tường tận.

CDI Vietnam.