Ngôn ngữ:

Hoạt động

Tập huấn “Vai trò giám sát của các tổ chức và cộng đồng dân cư với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản”

28/02/2017
Sáng ngày 31/03 năm 2017, tập huấn “Vai trò giám sát của các tổ chức và cộng đồng dân cư với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản” đã diễn ra tại thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Tập huấn được thực hiện bởi Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI).

Tham dự tập huấn có các đại diện và chuyên gia từ Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, Chi cục Bảo vệ môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên, Phó chủ tịch Mặt trân tổ quốc huyện Đồng Hỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, đại diện người dân thị trấn (bí thư, tổ trưởng các tổ) và cùng đông đảo người dân thị trấn Trại Cau. Sau phát biểu khai mạc, chuyên gia Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã phổ biến các quy định về vai trò giám sát của các tổ chức đại diện và cộng đồng dân cư với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Trong bài trình bày, chuyên gia đã hệ thông hóa các quy định pháp luật; nêu quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng với công tác BVMT và vai trò giám sát của các tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư với công tác BVMT.

Tiếp theo, đại diện Sở công thương đã phổ biến kiến thức cho cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường như sụt lún, mất nước. Đây cũng là những sự cố phổ biến nhất trên địa bàn thị trấn do hệ quả của việc khai thác khoáng sản từ các mỏ sắt tại đây.

Tại phần thảo luận, giải đáp thắc mắc, nhiều người dân tham dự đã nêu lên ý kiến của cá nhân và ý kiến đại diện cho cộng đồng liên quan đến vấn đề môi trường tại địa phương.

Hi

Bà Trần Thị Hương – Chi cục phó Chi cục BVMT tỉnh Thái Nguyên cung cấp thêm thông tin về vai trò giám sát của người dân tại nơi có hoạt động, cơ sở khai thác khoáng sản: “Trong giai đoạn cơ sở chưa hình thành, mới chỉ trong giai đoạn dự án đầu tư thôi thì các bác cũng có quyền tham gia rồi, tham gia ngay trong việc tham vấn cộng đồng. Ở đây rất nhiều các bác đã từng được tham dự các cuộc họp cộng đồng. Do vậy, nếu các bác thấy rằng cuộc họp cộng đồng đấy do chủ dự án và đại diện chính quyền địa phương tổ chức nhưng các thông tin không được cung cấp đầy đủ, các ý kiến không được ghi nhận, thì rõ ràng việc họp cộng đồng đấy cũng chưa đảm bảo.”

Theo ông Tuấn, bí thư chi bộ tổ 14, thị trấn Trại Cau cho biết việc sụt lún do mất nước ở khu vực gần mỏ sắt Trại Cau đã xảy ra trong nhiều năm, với khoảng 100 hộ bị ảnh hưởng, cũng đã có nhiều đoàn đánh giá tác động môi trường về kiểm tra, đánh giá bên cạnh việc sớm đưa ra nguyên nhân chính thức cũng cần sớm đưa ra phương án giải quyết để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho các hộ dân. Ông cũng cho rằng hiện trong khu vực có 4 doanh nghiệp đang khai thác sắt, hàng ngày thải ra rất nhiều bùn nhưng do hố thải bùn còn hạn chế nên người dân vẫn đang chịu ảnh hưởng nhiều từ bùn thải trên đường, sông suối, ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như vệ sinh chung toàn khu vực nên đề nghị các cấp các ngành liên quan có biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp có biện pháp xử lý tốt bùn thải này.

Theo ông Hùng, tổ trưởng tổ 14, thị trấn Trại Cau, tổ trưởng và bí thư chi bộ các tổ cần được tham gia các buổi ký kết giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp hay trang trại chuẩn bị mở cơ sở trên địa bàn. Đồng thời, ông cũng cho rằng cần công khai báo cáo tác động môi trường của các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn, cũng như công khai phí BVMT đã thu tại địa phương.

Bà Hương cũng đưa ra ý kiến cho rằng tại một số địa bàn, “từ khâu cấp phép hoạt động không đánh giá được phạm vi ảnh hưởng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường mang tính chất dự báo ảnh hưởng, còn trong thực tế, công tác dự báo đấy có thể đúng 100%, còn nếu dự báo không tốt, có thể chỉ đúng 50-70% thôi, thì vùng phạm vi ảnh hưởng không xác định được. Còn các vấn đề liên quan đế cái không nhìn thấy, ví dụ như nước dưới đất, đáng giá chỉ mang tính chất dự báo, trên thực tế người ta mới thấy rằng à tầng nước đấy không phải trong phạm vi 300m, 500m mà đến hàng kilomet, ví dụ như vậy, thì lại phải thực hiện tiếp việc đánh giá xem ảnh hưởng tới đâu, và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm việc với doanh nghiệp để họ có trách nhiệm trong việc đền bù. Nhưng để các cơ quan quản lý Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng rõ ràng phải có cơ sở khoa học.”

Buổi tập huấn là một cơ hội tốt để cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường như sụt lún, mất nước; cũng như để một số bên liên quan có sự trao đổi, đối thoại, từ đó các cơ quan quản lý được cung cấp thêm thông tin từ cộng đồng để tiếp tục theo dõi, đẩy mạnh công tác đánh giá, giám sát và quản lý môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương.

CDI Vietnam.