Tọa đàm: Góp ý Dự thảo Ngân sách Nhà nước năm 2022 – Khả năng đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội
Ngày 5/11/2021, toạ đàm “Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 – Khả năng đáp ứng mục tiêu về An sinh xã hội” diễn ra với sự tham gia của đại diện Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, các tổ chức xã hội, các chuyên gia, các cơ quan truyền thông và các cá nhân quan tâm. Tọa đàm do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) với sự chủ trì của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) phối hợp tổ chức.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm đã thảo luận về các giải pháp huy động và sử dụng Ngân sách Nhà nước để đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội năm 2022 cũng như các vấn đề đặt ra với các chính sách an sinh, xã hội trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5% so với năm 2021, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 60 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%.
Về thu NSNN, dự toán thu NSNN năm 2022 đã thận trọng hơn khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022 chỉ tăng so với ước thực hiện 2021 có 3,4 %. Các khoản thu chính được dự toán với sự thận trọng khi thu từ sử dụng đất giảm so 4 % so với cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 5,1% so với số ước thực hiện 2021 và số thu từ dầu thô giảm đi. Trong trường hợp Dự kiến thu NSNN không tăng thu như kế hoạch hoặc nhu cầu chi tăng mạng thì cần có kịch bản và biện pháp để xử lý.
Về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2022 đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh dù còn chưa thực sự rõ nét. Chi thường xuyên tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 với tăng chi cho một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới là cần thiết và hợp lý. Dự toán chi thiếu thông tin chi tiết về việc ban hành và triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid.
Báo cáo Dự toán NSNN năm 2022 được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính bao gồm (i) Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, (ii) Dự kiến dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, (iii) Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước trong 3 năm, 2022- 2023 và 2024, (iv) Phụ lục số liệu liên quan. Tuy nhiên, các chuyên gia và người dân vẫn gặp khó khăn khi kết nối giữa mục tiêu ngân sách năm 2022 với phụ lục số liệu.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính Công – Học viện Tài chính nhận định: “Dự thảo NSNN 2022 không chi tiết về chi đầu tư như chi thường xuyên vì vậy rất khó đánh giá liệu NSNN có đủ đảm bảo 20 % cho giáo dục, 2 % cho KHCN, 1 % cho Môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành. Cần có sự nhất quán trong các chỉ tiêu dự toán NSNN qua các năm, nếu có thay đổi cần phải được giải thích đầy đủ. Đồng thời, rất cần có phân tích đánh giá kỹ hơn về chi NSNN 2022, nhất là chi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch.”
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chisến lược (VESS), thành viên của Liên minh BTAP, nhận định: “Nhìn chung bản dự thảo NSNN 2022 đã phản ánh được tinh thần chia sẻ hành động và huy động nguồn lực đương đầu với khó khăn trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách cần được cụ thể hóa hơn, minh bạch hơn trong việc nêu bật nguồn ngân sách sẽ được sử dụng như thế nào, chấp hành ra sao, nhằm hướng tới những đối tượng khó khăn nhất, cụ thể ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới là người lao động di cư tại các đô thị chịu ảnh hưởng dịch nặng nề khiến họ phải mất việc hoặc ngừng việc và trở về quê quán. Có một ngịch lý cần lưu ý là, những tỉnh nghèo nhất thường đồng thời có nhiều người di cư nhất, thì lại là những tỉnh cần chi tiêu nhiều nhất trong việc hỗ trợ người lao động di cư trở về. Chính vì thế, cần có sự phân bổ ngân sách cho các tỉnh khó khăn nhất theo một cơ chế đặc biệt, và giám sát chặt chẽ sự chấp hành.”
Chị Thủy, người lao động dân tộc Mường tại Thanh Hóa chỉ ra rằng: “Chính sách hỗ trợ đối với người không có hợp đồng lao động tại địa phương thì cần phù hợp hơn và giảm bớt những thủ tục hành chính để người lao động tự do nhận được hỗ trợ kịp thời trong cái thời gian mà người ta khó khăn nhất. Cần có các cái chính sách ngay trong cái thời gian mà dịch covid thì những có những cái thực phẩm lương thực các thứ thì nó cũng giá nó cũng tăng cao hoặc là như trong cái thời gian đó là giá xăng này. Giá ga bây giờ hiện tại là gần 500.000 một bình thì thật sự là cũng một cái khó khăn thì làm sao để có được cái chính sách bình ổn giá hơn trong thời kỳ chống dịch.“
Ông Nguyễn Quang Thương, Quyền giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), tổ chức điều phối Liên minh BTAP, cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng của Covid qua các chính sách như Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP… Tuy nhiên, mức hỗ trợ cao nhất theo như NQ 68/NQ-CP và NQ 116/NQ-CP vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, chưa kể hỗ trợ của Chính phủ là 1 lần trong khi mỗi đợt dịch Covid bùng phát kéo dài ít nhất là 2 tháng. Theo tôi, Chính phủ Việt Nam có thể tăng mức hỗ trợ cho bằng tiền mặt cho người dân, qua đó kích cầu, góp phần hoàn thành mục tiêu NSNN năm 2022.”
Cùng chung nhận định này, Ths. Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc hỗ trợ hiện nay đối với người dân và người lao động đang ở mức thấp không đáp ứng mức sống tối thiểu và dự báo chưa đầy đủ mức độ tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống người lao động.
Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu quy định của Nhà nước. Quy định “một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ” trong khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy chưa dự báo hết tình hình tác động của dịch COVID-19 đến đời sống người dân, người lao động, Ths. Phạm Minh Thu nói.
Để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp chương trình Quản trị tốt, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên quy định mức phân bổ ngân sách tối thiểu cho an sinh xã hội (có thể từ 6-10% GDP) và tăng chi từ ngân sách nhà nước cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, để người lao động tự do có đầy đủ các quyền lợi tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, một số chuyên gia cho rằng người dân đang cần các chương trình trợ cấp tiền mặt. Ths. Phạm Minh Thu đề xuất, cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, thực hiện càng sớm càng tốt và tiếp cận theo cách phổ cập nhóm như hộ có trẻ em, hộ có người già, người khuyết tật… Mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt “mức sống tối thiểu” và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly, giãn cách cộng đồng. Chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng Quỹ Dự phòng.
Ngoài ra, chị Châm, người lao động dân tộc Chăm tại Ninh Thuận cũng có thắc mắc: “Vấn đề nữa là mặc dù là không được tham gia lao động hay là làm việc do covid nghỉ rất là dài, thời gian giãn cách khoảng hai tháng trở lên. Nhưng mà người lao động thì trong thời gian đó vẫn phải tự bỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Thậm chí là đóng luôn cả phần doanh nghiệp. Do doanh nghiệp không nắm rõ quy định và người lao động không muốn bị gián đoạn trong cái thời gian đóng bảo hiểm xã hội của mình. Thì lúc này có chế tài nào đối với doanh nghiệp không thực hiện đúng cái chính sách quy định về hỗ trợ cho do covid cho người lao động hay không?”
CDI Việt Nam.
Chia sẻ: