Toạ đàm “Công khai minh bạch Ngân sách Nhà nước”
Trong báo cáo đề dẫn Toạ đàm, bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành CDI, Điều phối viên Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) cho biết Luật NSNN (sửa đổi năm 2015) có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng. Theo đó, các quy định về công khai minh bạch ngân sách đã rõ ràng, minh bạch hơn. Tuy nhiên theo Luật Ngân sách Nhà nước này, báo cáo đề xuất dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện với dự toán ngân sách năm 2017 vừa được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội. Hiện Việt Nam chỉ đạt 18 trên thang điểm 100 về mức độ minh bạch ngân sách trong kết quả cuộc khảo sát công bố hồi đầu năm nay của Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) tại 102 quốc gia. Bà Việt Anh chia sẻ: “Công khai dự thảo ngân sách chiếm số điểm lớn trong vòng khảo sát minh bạch ngân sách. Năm nay, ta vẫn không công khai dự thảo dự toán thì tôi băn khoăn về chỉ số công khai minh bạch ngân sách năm tiếp theo”.
Tiếp theo chương trình, các diễn giả đã thảo luận các vấn đề liên quan đến công khai, minh bạch ngân sách tại Việt Nam hiện nay trong phần chính của Toạ đàm.
Theo PSG. TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết rằng thực tế hiện nay, chỉ có các cơ quan nhà nước làm dự toán, còn việc tham vấn các tổ chức, chuyên gia là ít hay thậm chí không có. “Cách làm này trái ngược so với các nước trên thế giới”, ông Cường cho hay. Theo ông Cường, ở các nước tiên tiến trên thế giới, quy trình lập dự toán ngân sách sẽ bao gồm cả sự phản biện của các chuyên gia phản biện độc lập. Các con số số thu, chi cụ thể từng lĩnh vực như thu từ các khu vực nông nghiệp, công nghiệp là bao nhiêu, thu từ doanh nghiệp lớn ra sao, khoản thu từ các doanh nghiệp nhỏ như thế nào… được công khai. “Điều này nhằm giúp giảm sai số trong dự toán”, ông Cường khẳng định.
Lý giải cho sự chậm trễ của việc công bố dự thảo dự toán, theo ông Cường, do hiện nay, hệ thống ngân sách của Việt Nam hiện vẫn lồng ghép 4 cấp, từ Trung ương tới tỉnh, huyện, xã. Điều này đồng nghĩa là các cấp phải đợi tổng hợp thu, chi từ xã, tới huyện rồi mới chuyển lên các cấp cao hơn. Quá trình này, theo ông Cường, thông thường phải tốn tới 4-5 tháng. Quy trình này có điểm lợi là đảm bảo tính thống nhất nhưng ông cũng chỉ ra mặt trái là lạc hậu, trùng lặp và đặc biệt tốn thời gian. Ông Cường chỉ ra kinh nghiệm từ các nước khác là, Trung ương chỉ làm dự toán của trung ương và phân bổ cho các địa phương. Còn việc các địa phương phân bổ cho huyện, xã như thế nào thì địa phương tự chủ động.
TS. Nguyễn Chí Dũng (Chuyên gia nghiên cứu, Uỷ ban Pháp chế – Quốc hội) lại băn khoăn là vừa qua, nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng phải “đắp chiếu” hoặc không hiệu quả. Vậy vai trò của cá nhân quyết định chi đầu tư thế nào, Quốc hội có biết khi quyết định đầu tư những dự án này không?
Đánh giá về những điểm mới trên của Luật NSNN 2015, PGS. TS. Bùi Thị An- nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc tăng cường những quy định về công khai, minh bạch NSNN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của NSNN và tăng cường khả năng giám sát của cộng đồng; đồng thời, giảm lãng phí, kém hiệu quả do sự tuỳ tiện, thiếu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách gây ra.
Cũng theo bà An, hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện khá đầy đủ những quy định về công khai, minh bạch ngân sách, điều quan trọng là cần nâng cao hiệu quả thực thi những quy định pháp luật khi đi vào triển khai trên thực tế. Đặc biệt, cần quy trách nhiệm của người đứng đầu từng địa phương, bộ, ngành trong việc thực hiện công khai, minh bạch ngân sách. “Chúng ta phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong việc thực hiện những yêu cầu, quy định của pháp luật. Do đó, trong việc thực hiện công khai, minh bạch ngân sách nếu lãnh đạo, cán bộ địa phương, bộ, ngành nào không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ thì cần kiên quyết xử lý”- bà An nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), sẽ có 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là khó như năm trước đây, cơ cấu thu không bền vững, sức ép chi lớn nên ngân sách đứng trước mâu thuẫn lớn là thu giảm chi tăng. Thứ hai, là bội chi ngân sách cao. Năm 2016 cao và 2017 dự là 3,5% GDP. Bội chi này tính tiếp cận dần thông lệ quốc tế. Trước ta tính 5%, nhưng bây giờ chỉ là 3,5%. Đây là kết quả được tính theo khuyến nghị của các cơ qua quốc tế như IMF, WB. Cách tính này không tính chi trả nợ gốc, song vẫn tạo sức ép vẫn lớn. Thứ ba là nợ công. Quốc hội trước đó đã có Nghị quyết phải đảm bảo trần 65% GDP, nhưng hiện tại, do nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng nhiều, xu hướng tăng, nên Quốc hội bàn tính sẽ không nới trần để đảm bảo giữ an ninh và tài chính của quốc gia.
Theo các chuyên gia, công khai và minh bạch cần có quá trình chứ chưa kỳ vọng đạt được hết tất cả các mục tiêu. Vì vậy, đây phải là một quá trình với những tiến độ và nội dung phải công khai từng năm theo Luật Ngân sách 2015.
CDI Vietnam.