Ngôn ngữ:

Hoạt động

Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc tại Việt Nam và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống

18/04/2019
Báo cáo 20 năm của Liên đoàn lao động khảo sát 150 nhà máy và phỏng vấn sâu hơn 2000 lao động cho thấy mức lương cơ bản của người lao động là 4.670.000, chưa tính đến phụ cấp, tiền ăn ca, làm thêm giờ. Ngành may là ngành có mức lương cơ bản trung bình thấp nhất, chỉ 4.225.000/tháng. Trong khi báo cáo của Hội Dệt may qua thống kế ở 20 doanh nghiệp lớn có những đơn hàng trực tiếp với nhãn hàng lớn, thu nhập của người lao động có thể lên tới 7.000.000 đồng/tháng; tại những doanh nghiệp gia công cấp 3, cấp 4, mức thu nhập đó thấp hơn nhiều. Đời sống của đa số người lao động dệt may, do đó, còn nhiều khó khăn. Hầu hết người lao động muốn làm thêm giờ, vì lương cơ bản không đủ sống. Thực tế trên lần nữa được khẳng định trong clip phỏng vấn ngắn đối với người lao động dưới đây của CDI.

Ngày 11 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Hội nhập phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Fair Wear Foundation tổ chức Hội thảo vận động chính sách “Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành may mặc tại Việt Nam và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống”. Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan: các doanh nghiệp, nhãn hàng, các tổ chức đại diện cho người lao động và các nhà hoạch định chính sách thảo luận, tháo gỡ các rào cản, tìm tiếng nói chung và giải pháp khả thi để người lao động, đặc biệt trong ngành may mặc có thể sống bằng lương.

Tại Hội thảo, trước phần thảo luận của các bên liên quan, đại biểu được xem bộ phim ngắn phản ánh đời sống chật vật của người lao động khi xoay sở trong mức lương cơ bản. “Giật gấu vá vai” là tình trạng chung của đa số công nhân hiện nay khi thu nhập của họ chỉ đáp ứng khoảng trên 60% nhu cầu tối thiểu. Vì sao công nhân ngành may có mức lương trả thấp như vậy? Nhiều lí do đã được đại biểu chia sẻ như do xuất phát điểm của mức lương tối thiểu thấp, nên dù có tăng lương hàng năm, nhưng tỉ lệ tăng chưa bắt kịp thực tế và sự trượt giá của thị trường; do năng lực chung của lao động Việt Nam mới chỉ chủ yếu tập trung vào khâu gia công nên tỉ lệ tính công còn thấp; do một số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn lấy công nhân giá rẻ làm một lợi thế cạnh tranh, dẫn đến thù lao và cơ hội phát triển của người lao động bị bó hẹp… Về phía nhà nước, sự thay đổi về chính sách về tiền lương cho người lao động hiện nay còn chậm chạp và chưa bắt kịp nhu cầu cuộc sống. Tình trạng vi phạm của Doanh nghiệp trong xây dựng thang lương cơ bản còn nhiều và làm thêm giờ chưa được kiểm soát do lực lượng thanh tra mỏng, chưa bao quát hết. Thương lượng về lương chủ yếu vẫn dựa vào sự mặc cả giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong khi đó người lao động luôn là đối tượng yếu thế: doanh nghiệp gần như vẫn nắm vai trò ấn định mức lương và sự tham gia của công đoàn chưa rõ rệt.

Quản lý chương trình Việt Nam của Fair Wear Foundation, bà Annabel Meurs cho thấy rõ hơn bức tranh toàn cầu: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động không được trả mức lương có thể đủ sống cho bản thân và gia đình họ, cụ thể như: năng suất, thương lượng tập thể về lương chưa phát triển, là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu, trách nhiệm bị phân mảnh do một nhãn hàng đặt hàng ở nhiều nhà máy hoặc một nhà máy sản xuất cho nhiều nhãn hàng; Tuy nhiên một trong những nguyên nhân quan trọng là các nhãn hàng chưa có trách nhiệm đối với vấn đề này, chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá.”

Bao Cao Thu Nhap Nganh May Mac 2Bà Annabel Meurs phát biểu tại Hội thảo

Tọa đàm của các đại biểu từ phía nhà nước, Liên đoàn lao động và các tổ chức xã hội về quyền lao động đi sâu phân tích vai trò của các bên liên quan trong việc quyết định mức lương cho người lao động. Trong đó, bên cạnh sự trông chờ từ các chính sách công về lương, sự cam kết của các nhãn hàng về việc trả lương đủ sống cho người lao động là rất cần thiết và hiện chưa được chú trọng. Từ phía người lao động, nâng cao tay nghề và năng lực sản xuất là điều kiện thiết yếu để tăng cường khả năng thương lượng về lương. Từ phía cơ quan quản lý, giám sát thực thi các chính sách về lương của doanh nghiệp và nhãn hàng hiện được coi là biện pháp hữu hiệu thắt chặt vai trò của cơ quan quản lý trong việc bảo vệ người lao động.

Bao Cao Thu Nhap Nganh May Mac 3

CDI Vietnam.