Tập huấn Khởi nghiệp Nông Nghiệp bền vững VietFarm
Trong 3 ngày, học viên là nông dân các dân tộc Mường, Dao, Thái, Mông, Kinh được tập huấn về ba chủ đề chính: Khởi nghiệp nông nghiệp cần cân nhắc các yếu tố quan trọng gì; Các kỹ thuật canh tác một số cây trồng để đạt tiêu chuẩn hữu cơ; Áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngày thứ nhất, học viên có một ngày làm việc với Giảng viên Nguyễn Huy Minh – Giám đốc Sunshine Holdings về các khía cạnh chính trong khởi nghiệp như xác định sản phẩm kinh doanh nông Nghiệp (mặt hàng), xác định thế mạnh sản phẩm, số lượng, thời điểm, khách hàng, tần suất, phương thức thanh toán, cách thức hạch toán chi phí, lợi nhuận và tính giá thành sản phẩm để hình thành kế hoạch kinh doanh… Trong phần này, học viên được làm việc nhóm, thực hành phân tích và áp dụng lý thuyết về khởi nghiệp cho các sản phẩm của nhóm và trình bày bài tập của nhóm mình.
Ngày thứ 2, học viên được hướng dẫn xác định các loại cây nông nghiệp chủ điểm tại địa phương để khởi nghiệp và các kỹ thuật canh tác nông nghiệp để đầu ra là các sản phẩm sạch và có giá trị kinh tế cao. Ông Hoàng Anh – chuyên gia Nông nghiệp đã hướng dẫn kỹ thuật và ứng dụng vi sinh trong trồng trọt để làm đất hữu cơ và phân vi sinh, quản lý dịch hại tổng hợp, sâu bệnh và quy trình kỹ thuật của một số cây ăn quả, rau trên địa bàn huyện Mộc Châu. Khảo sát nhu cầu của học viên cho thấy, các cây trồng nông nghiệp phù hợp và mang lại giá trị kinh tế tại địa phương hiện nay bao gồm chanh leo, mận, bơ, xoài.
Học viên được hướng dẫn và thực hành quá trình tạo chất hữu cơ bằng chế phẩm Emi; nhìn tận mắt cách làm phân vi sinh hoai mục; cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản và không ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng và người tiêu dùng. Học viên đã đi thăm vườn nhà chị Thúy, tiểu khu Tân Lập, Mộc Châu và được giáo viên chỉ các loại bệnh trên cây như thán thư, sâu đục cành và hướng dẫn cách trị bệnh. Sự trao đổi và hỏi đáp giữa học viên và người hướng dẫn khiến buổi học sôi nổi và người học có thể nêu lên các vấn đề mà họ quan tâm. Học viên cũng được hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tra cứu hoạt chất được phép sử dụng của bộ NN-PTNT.
Ngày thứ 3, ông Phan Thái Trung – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp đổi mới và sáng tạo chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp của mình với tiêu chuẩn VietFarm. Ông nhấn mạnh, người nông dân cần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp – đó là yếu tố đầu tiên để sản phẩm có được sự tin cậy của người tiêu dùng. Với xu hướng tiêu dùng hiện nay, người nông dân cần chú ý các yếu tố như áp dụng các quy trình sản xuất tiêu chuẩn và ghi chép nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó là cách ông đã làm khi ứng dụng tiêu chuẩn VietFarm. Ông Trung cũng hướng dẫn học việc cách sử dụng App VietFarm trong sản xuất nông sản.
Anh Dương Văn Nam, Giám đốc HTX Nam Vũ – Hải Dương cho rằng đây là một khóa học bổ ích, anh đã ghi chép lại được nhiều điều để về nhà áp dụng và đặt các câu hỏi cho giảng viên. Anh Nguyễn Văn Hóa – Yên Sơn, Yêu Châu, Sơn La chia sẻ, dù đã làm nông nghiệp lâu, nhưng giờ đây anh mới hiểu vì sao ủ phân rồi mà ruộng nhà mình vẫn bị bệnh mà vườn không bón phân hữu cơ nhà bên cạnh không bị. Đó là do phân ủ chưa hoai mục, trộn chưa đủ tỷ lệ vôi, hoặc do dùng cả vôi và chế phẩm vi sinh cùng nhau nên phản tác dụng.
Cam kết đồng hành cùng học viên, các giảng viên của VietFarm tiếp tục sẽ được giải đáp qua trao đổi nhóm để học viên có thể áp dụng các kiến thức đã học và tự tin trong hành trình chuyển đổi tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp – hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững cho người nông dân và cho cộng đồng.
CDI Vietnam.