Ngôn ngữ:

Mạng lưới

Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư (M.net)

03/01/2017

Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư (tên viết tắt là M.net) chính thức ra mắt tại Hà Nội vào ngày 8/12/2015. Mạng lưới M.net được thành lập bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam và hiện thời có sáu tổ chức thành viên.

Trong những năm gần đây, các báo cáo thống kê của chính phủ và của các tổ chức xã hội dân sự đã chỉ ra một xu hướng nổi bật là luồng di cư từ nông thôn ra thành thi đang gia tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ người di cư trong hai thập kỷ qua, nhưng xu hướng gia tăng này chỉ nổi bật rõ rệt trong vòng một thập kỷ vừa qua. Số người di cư giữa các tỉnh tăng  từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người năm 1999 và lên tới 3,4 triệu người năm 2009. Tỷ lệ của nhóm di cư này trong tổng dân số cũng tăng tương ứng từ 2,5% trong năm 1989 lên 2,9% năm  1999 và 4,3% năm 2009. (Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam, Tổng cục Thống kê, 2009). Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số (Tổng cục thống kê 2011).  .

Độ tuổi di cư có xu hướng trẻ hóa; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp. Các báo cáo cũng cho thấy những đóng góp đáng kể của di cư vào khu vực  thành thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn, số liệu cho thấy riêng khu vực phi chính thức đóng góp 20% cho tổng GDP (ILO, 2012), tuy vậy tới 90% người lao động di cư không được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ vì có hơn 80% người lao động di cư có đem theo con tới nơi đến, và không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các nhóm con của người di cư.

Đứng trước tình hình đó, tổ chức Oxfam đã hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam thành lập Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư, viết tắt là M.net, vào tháng 10 năm 2014. Mục đích hoạt động của mạng lưới là vận động thay đổi hệ thống chính sách để người lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư ở khu vực phi chính thức, có thể tham gia và tiếp cận một cách bình đẳng vào hệ thống an sinh xã hội. Hoạt động vận động chính sách của mạng lưới dựa trên các nghiên cứu, bằng chứng, câu chuyện cụ thể nhằm mang lại một nền tảng vận động vững chắc cả về nghiên cứu lẫn thực tế, làm nền tảng cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các thay đổi phù hợp. Sau một năm khởi xướng và hoạt động, mạng lưới đã có sáu thành viên là các tổ chức phi chính phủ Việt Nam tham gia.

Trải qua một năm hoạt động, mạng lưới Hành động vì Lao động di cư đã tổ chức một chuỗi các hoạt động nhằm vận động chính sách cho sự tham gia của lao động di cư khu vực phi chính thức vào hệ thống an sinh xã hội. Mạng lưới đã tham gia tập hợp tổ chức người lao động thành các nhóm lao động di cư chính thức và nhóm lao động di cư phi chính thức, đồng thời tiến hành các hoạt động truyền thông để phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực cho các nhóm về các thông tin và các quyền mà họ cần được hưởng. Các thông tin này sẽ được tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng lao động di cư.

Mạng lưới cũng tổ chức hội thảo chính sách ở cấp thành phố và cấp quốc gia với sự tham gia của các bên liên quan là các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội cùng với bản thân người trong cuộc chính là lao động di cư, nêu lên các vấn đề cụ thể của lao động di cư gặp phải khi tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, và đưa ra các khuyến nghị về chính sách. Các hội thảo đã thu được kết quả tích cực trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách nắm được rõ hơn thực tế của lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội, và tạo ra môi trường thuận lợi ban đầu để người lao động di cư nói lên nguyện vọng của mình, làm quen với việc trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với các cơ quan liên quan, những người mà họ không dễ tiếp cận.

Mạng lưới cũng thực hiện một nghiên cứu về rào cản pháp luật và thực tiễn đối với lao động di cư và lao động phi chính thức ở Việt Nam tại Hà Nội và Bắc Ninh ở phía Bắc và TPHCM và Đồng Nai ở phía Nam, với sự tham gia của 808 lao động di cư. Nghiên cứu này nhằm cung cấp những bằng chứng về các rào cản pháp lý và rào cản thực tiễn đối với lao động di cư làm việc trong khu vực chính thức và phi chính thức trong việc thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và gia đình họ tại các đô thị hiện nay. Nghiên cứu cũng tìm kiếm các điển hình tốt về sự trao quyền và hỗ trợ cho người di cư tiếp cận và hưởng lợi từ hệ thống bảo trợ xã hội và chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong những năm qua, trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng về đối tượng, diện bao phủ. Từ đó từng bước nâng mức trợ giúp xã hội cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế giúp họ có thể tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, nước sạch, thông tin… Đây là vấn đề cơ bản của ASXH mà chúng ta đang hướng tới. Tôi  đánh giá cao sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế trong việc thúc đẩy các đề án lớn: Đề án tăng cường trợ giúp xã hội ở Việt Nam, Nghiên cứu lồng ghép các chính sách ASXH với các chính sách phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn…”

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối mạng lưới M.net chia sẻ: “Những hoạt động về lao động di cư đã được tiến hành nhiều năm, đây là một mảng lớn liên quan đến nhiều khía cạnh. Bên cạnh các dự án của các tổ chức thành viên, mạng lưới M.net cũng có vai trò cầu nối giữa các đơn vị xây dựng chính sách và các đối tượng đặc thù là lao động di cư, đặc biệt là nhóm di cư lao động phi chính thức. Mạng lưới M.net hy vọng sẽ có sự chung tay góp sức hỗ trợ cho những người lao động di cư tại Việt Nam” .”