Ngôn ngữ:

Hoạt động

Hội thảo “Phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản”

28/02/2017
“Việc họp cộng đồng là một trong những nội dung để chúng tôi xem xét trong quá trình thẩm định, đánh giá tác động môi trường.”

Nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tại địa phương, góp phần xây dựng các chính sách phù hợp và tăng cường quản trị hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản, sáng 30 tháng 03 năm 2017, hội thảo cấp tỉnh “Phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản” do CDI và Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên đồng tổ chức đã diễn ra tại thành phố Thái Nguyên.

Mở đầu hội thảo, sau phát biểu khai mạc của bà Hoàng Thị Liên – Chi cục trưởng Chi cục bảo về môi trường tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Văn Vang, chuyên gia Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính đã phổ biến một số quy định mới về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP. Trong đó nhấn mạnh nội dung mới về quản lý sử dụng phí BVMT đối với KTKS ở những điểm sau: quy định rõ hơn về phạm vi sử dụng số phí thu được, cụ thể là chỉ sử dụng tiền phí để chi cho nhiệm vụ BVMT tai địa bàn diễn ra hoạt động KTKS thuộc phạm vi cấp xã hoặc huyện; quy định trách nhiệm của UNBD và HĐND trong việc quyết định sử dụng tiền phí tại địa phương.

Sau các bản tham luận về tình hình quản lý và sử dụng phí BVMT trong KTKS và tình hình thu, nộp phí BVMT trên địa bàn từ đại diện Sở Tài chính và đại diện Cục thuế tỉnh, đại diện UBND huyện Đồng Hỷ đã có bài trình bày về thực trạng KTKS trên địa bàn huyện và việc sử dụng phí BVMT trong KTKS tại địa phương.

Trong bài trình bày của mình, đại diện huyện Đồng Hỷ cho biết thực trạng một số doanh nghiệp KTKS trên địa bàn lại không có trụ sở, văn phòng trên địa bàn huyện, gây khó khăn cho việc thu thuế, phí. Ví dụ một doanh nghiệp, “sau khi đấu tranh mãi thì họ mới thành lập chi nhánh ở đây còn trước đó họ lại nộp ở Quảng Ninh. Trước đó cứ tranh luận nhau mãi vì Nghị định cũ là nộp thuế tại địa phương nơi có hoạt động KTKS. “Địa phương” thì có thể là tỉnh, có thể là huyện, có người hiểu là xã. Sau khi Nghị định này ra chúng tôi thấy điều này rất xác đáng, chỉ rõ luôn là xã, huyện.” Việc sử dụng phí BVMT để phục vụ việc xử lý hậu quả môi trường tại “địa phương”, cũng được vị đại diện thể hiện sự ủng hộ nội dung mới trong Nghị định 164/2016 và cho rằng đã giúp giải quyết được vấn đề bất cập, chưa rõ ràng trong Nghị định trước đó, trong đó ở đây địa phương đã được chỉ rõ là cấp xã hoặc huyện. Ông cũng đề nghị đại diện Vụ chính sách thuế giải đáp thắc mắc phí BVMT liệu có thể được sử dụng cho mục đích di rời, đền bù cho người dân bị nguy hiểm, thiệt hại nặng do hậu quả KTKS.

Bà Trần Thị Hương – Chi cục phó Chi cục BVMT tỉnh Thái Nguyên đã phổ biến Nghị định 154/2016/NĐ-CP, 155/2016/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTNM. Bà chỉ ra nhiều cuộc họp liên quan đến đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp KTKS hoạt động tại địa bàn cũng chỉ có các cơ quan đại diện: HĐND, UBND xã; nhưng thực tế cộng đồng, nhóm người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động KTKS thì gần như hiếm khi xuất hiện trong cuộc họp đó. Bà nhấn mạnh “Việc họp cộng đồng là một trong những nội dung để chúng tôi xem xét trong quá trình thẩm định, đánh giá tác động môi trường”.

Tại phần thảo và giải đáp thắc mắc, nhiều đại diện doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến cho các đại biểu Bộ, Sở, ban ngành tham dự.

Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục bảo về môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng chia sẻ một số khó khăn: thực tế việc sử dụng phí BVMT tại địa phương thường rơi vào thế khó; chủ yếu sử dụng để làm đường nhưng thanh tra Chính phủ, kiểm toán Nhà nước đều nói không được làm đường. Phí BVMT thực tế cũng không đủ vì kinh phí rất lớn, nhưng trước thực trạng bị xuống cấp của các đường giao thông tại các địa bàn khai thác thì thiết thực nhất các địa phương vẫn chủ yếu sử dụng làm đường.

Trả lời thắc mắc về việc các mục đích sử dụng phí BVMT tại địa phương, ông Đặng Văn Vang đưa ra ý kiến: mức chi phí cho di rời, đền bù rất lớn nên việc chi này tùy thực tế từng địa bàn dựa trên thiệt hại, tổn thất phát sinh. Đường giao thông cũng có kinh phí rất lớn nên ko thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phí BVMT, có thể cần phải sử dụng cả nguồn kinh phí của địa phương hoặc doanh nghiệp tự bỏ tiền, ví dụ ở một số địa phương như khai thác than ở Quảng Ninh, doanh nghiệp khai thác bô-xit ở Lâm Đồng đã thực hiện điều này.

Thông qua Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan về Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí BVMT trong khai thác khoáng sản; đồng thời được trực tiếp giải đắp các thắc mắc bởi đại diện Vụ tài chính, Sở tài chính, Cục thuế tỉnh, Chi cục BVMT tỉnh và các ban ngành liên quan.

CDI Vietnam.