Ngôn ngữ:

Tin hoạt động

Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực hướng đến việc làm bền vững – Từ chính sách đến thực hành

16/11/2022

Trong bối cảnh thị trường lao động – việc làm đầy biến động như hiện nay, với mong muốn giúp các bên liên quan như: doanh nghiệp, Công đoàn, người lao động,…

  • Cùng nhau nhìn nhận những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, người lao động đang phải đối mặt
  • Chia sẻ những thực hành tốt của một số doanh nghiệp
  • Những giải pháp mà các bên cần thực hiện, cũng như phối hợp với nhau nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động.

Ngày 29/10 vừa qua, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp cùng Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức hội nghị: “Phát triển nguồn nhân lực hướng đến việc làm bền vững – Từ chính sách đến thực hành”.

Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của hơn 60 đại biểu đến từ Liên đoàn Lao động Thành phố Hải Phòng, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, các cán bộ Nhân sự, Công đoàn đại diện cho hơn 20 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Hải Phòng và gần 20 người lao động tham dự trực tiếp tại Hội nghị.

Img 0809

Img 0800
Hội nghị cũng được phát trực tiếp trên các trang Facebook: Diễn Đàn Pháp Luật Dành Cho Người Lao Động và Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả.

Img 3821

Về thực trạng nguồn nhân lực, đến nay, Hải Phòng có 53 doanh nghiệp phát triển ổn định, một số doanh nghiệp có số lao động tăng cao so với đầu năm. Cụ thể, có thể kể tới như Công ty LG Display: tăng 2019 lao động (bộ phận sản xuất màn hình Oled), Công ty Rorze: tăng 667 lao động (bộ phận sản xuất thiết bị điện tử), Công ty Jasan: tăng 927 lao động (bộ phận sản xuất tất)… Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có số lao động giảm nhiều lao động so với đầu năm. Điển hình là Công ty Horn: giảm 500 lao động (bộ phận sản xuất tai nghe), Công ty Yazaki: giảm 500 lao động (bộ phận sản xuất bộ dây diện ô tô), Công ty Honor: giảm 314 lao động (bộ phận sản xuất bộ sạc, đổi nguồn), Công ty Liteon: giảm 689 lao động (bộ phận sản xuất thiết bị điện tử, wifi…. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động: công ty Bridgestone, Shin-etsu, Boshoku, Lihit Lab…

Bên cạnh đó, theo thống kê, lực lượng lao động trong các khu công nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là lao động trẻ, xuất thân từ nông thôn, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp, thực thi kỷ luật lao động còn hạn chế. Do đó, đa số doanh nghiệp đều tổ chức đào tạo ngay tại dây chuyền sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và tiếp tục vừa làm, vừa học tại dây chuyền sản xuất. Mặt khác, đối với lao động đã qua đào tạo, nhiều trường hợp cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc, khi được tuyển dụng đều được doanh nghiệp đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.

Dù vậy, để đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp, mọi môi trường làm việc đều phải đảm bảo bốn tiêu chí trong Tiêu chuẩn lao động quốc tế (ILO) sau đây:

Ảnh Chụp Màn Hình 2022 11 04 Lúc 14.25.29

Đối với vấn đề này, Ông Mai Văn Sùng – Phó Chủ tịch Công đoàn, công ty TNHH LG Innotek đã có những chia sẻ thú vị về thực hành tốt tại công ty nhằm thu hút, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông cho rằng chất lượng nhân lực cao đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của công ty và người lao động không chỉ quan tâm về lương mà còn về môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Vì vậy, ngay từ khâu tuyển dụng, công ty đã làm việc với các trường Đại học tại Hà Nội và Hải Phòng như Đại học Hàng Hải, Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa nhằm “đặt hàng trước” nguồn nhân lực có ngoại ngữ và có trình độ cao. Ngoài ra, đối với nguồn nhân lực vốn có, công ty không chỉ tạo nhiều phúc lợi cho nhân viên mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến cho họ.

Chị Nhung – nhân sự tại Công ty Horn Việt Nam cũng chia sẻ công ty có những khuyến khích cho các anh chị em công nhân biết tiếng Trung do công ty làm việc nhiều với người Trung Quốc (phụ cấp 200.000 đồng/ người và mở lớp đào tạo ngoại ngữ). Không chỉ thế, một số cuộc thi nâng cao tay nghề với mức thưởng từ 500.000 đồng – 2.000.000 đồng hay các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cũng được công ty thường xuyên tổ chức nhằm nâng cao năng lực và đời sống công nhân viên.

Img 0843

Mặc dù hiện nay các công ty đều có chiến lược riêng nhằm “giữ chân” nhân lực vốn có và “chiêu mộ” nhân tài nhưng cả doanh nghiệp và người lao động đều đứng trước nhiều thách thức trên con đường hướng tới Việc làm bền vững. Các thách thức của doanh nghiệp có thể kể đến như: hạn chế trong việc thực thi chính sách Nhà nước; chất lượng nguồn lao động không cao; tác động của việc chuyển đổi chiến lược kinh doanh; hạn chế trong việc đào tạo nguồn nhân lực; thách thức trong cân bằng lợi ích doanh nghiệp với phúc lợi của nhân viên,…

Nhằm làm rõ vấn đề này, buổi toạ đàm đa bên gồm có sự tham dự của Ông Vũ Ngọc Thức – đại diện Liên đoàn Lao Động TP. Hải Phòng, Ông Nguyễn Hồng Quang – đại diện Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, Ông Trần Văn Tú – đại diện Công ty Bluecom Vina, Bà Phùng Thị Ngân – đại diện người lao động đã phần nào tháo gỡ các vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đảm bảo nhu cầu về việc làm bền vững cho người lao động.

Img 0827

Trong phần thảo luận chung của toạ đàm, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn chung về chất lượng nguồn lao động và tình hình kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Bà Lan – Cán bộ nhân sự tại một công ty may Hải Phòng nhận định: “Doanh nghiệp tồn tại thì người lao động tồn tại được. Cấp quản lý cần thể hiện vai trò quản lý của mình, hạn chế lãng phí nhân sự, làm tốt công tác giáo dục, phân bổ trách nhiệm đến từng bộ phận & cá nhân để mỗi người đều có tinh thần trách nhiệm, tránh lãng phí và giảm tổn hao.”

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế TP.Hải Phòng chia sẻ Việt Nam đã có luật việc làm, ban hành thông tư hỗ trợ việc làm bền vững theo như các trụ cột về việc làm bền vững của tổ chức lao động quốc tế (ILO), như đảm bảo việc làm, NLĐ có cơ chế để nói lên tâm tư, nguyện vọng, các chính sách xây nhà cho người lao động: Một số dự thảo về hỗ trợ cho người lao động trong khu công nghiệp có thể mua/thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng đang xây dựng chính sách nhà ở cho người lao động di cư trên địa bàn thành phố.

Đa số các doanh nghiệp có mặt tại toạ đàm đều có chung một quan điểm để thúc đẩy nguồn nhân lực bền vững. Cụ thể, cần có thêm nhiều chương trình đào tạo, phát triển giáo dục nghề, ngoại ngữ và thêm nhiều chính sách phúc lợi (nhà ở xã hội, nhà trẻ, …) hỗ trợ đời sống người lao động và đảm bảo môi trường làm việc tốt. Về phía người lao động, họ cần tự nâng cao giá trị bản thân thông qua việc trau dồi kiến thức, tác phong kỉ luật, ngoại ngữ và các kĩ năng mềm để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao từ phía doanh nghiệp.

CDI Vietnam.