Tọa đàm DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023 – tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ thấp hơn năm nay, tuy nhiên có một chỉ số chắc chắn sẽ cao hơn đó là chỉ số lạm phát
Trong nỗ lực cải cách kinh tế và xã hội, Việt Nam đã đặt nhiều mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng và minh bạch ngân sách. Chiều nay ngày 10/11, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) – thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), với sự chủ trì của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức Tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức”. Cùng với hơn 50 đại diện từ cơ quan chính phủ, tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông đã cùng nhau thảo luận và đóng góp các ý kiến độc lập về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Ông Vũ Sỹ Cường phát biểu: “Tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ thấp hơn năm nay, tuy nhiên có một chỉ số chắc chắn sẽ cao hơn đó là chỉ số lạm phát.”
Với bối cảnh thế giới biến động phức tạp và khó khăn hơn so với thời điểm xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước năm 2022, kinh tế Việt Nam chịu những biến động từ việc lạm phát tăng cao, sự lên xuống của giá xăng dầu và nguyên vật liệu, dịch bệnh, tai, bão lũ gây đã nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống. Ngoài ra xung đột Nga – Ukraine kéo dài; thêm vào đó việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khoá ở thế giới nói chung và Hoa Kỳ và các nước EU nói riêng để kiểm soát lạm phát đã tác động đến thị trường tài chính cùng với hoạt động đầu tư và thương mại toàn cầu. Ông Nguyễn Minh Tân phát biểu: “Năm 2023 bên cạnh nền tảng phục hồi từ năm trước, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức từ nội tại nền kinh tế trong đó bao gồm khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của thị trường không cao”. Vì những lí do đó, hôm nay tọa đàm đã thảo luận và thống nhất các nội dung sau:
MỘT SỐ ĐIỂM TÍCH CỰC CỦA DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2023
Thứ nhất, dự thảo có đánh giá và thuyết minh định hướng cơ bản về thay đổi chi tiêu NSNN, có thuyết minh về thay đổi các khoản thu, chi chính. Dự thảo cũng đã có đánh giá và so sánh với ước thực hiện 2022 về thu và chi cân đối NSNN.
Thứ hai, về dự toán chi cân đối NSNN, bản dự thảo đã cho thấy xu hướng thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng phù hợp hơn (giảm tỷ trọng chi thường xuyên). Chi đầu tư phát triển chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 2.4 điểm phần trăm và tăng 38,1% về giá trị so với dự toán năm 2022; chi thường xuyên chiếm 56,5% tổng chi NSNN, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022.
MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN ĐƯỢC LƯU Ý
1. Dự thảo NSNN 2023 thiếu thông tin chi tiết về chi đầu tư, chưa có danh mục dự toán chi đầu tư của ngân sách trung ương. Giải ngân đầu tư công thường xuyên chậm trễ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của hệ thống doanh nghiệp. Do vậy, cần có những thảo luận chi tiết hơn về chi đầu tư công trong Dự toán NSNN 2023 cả ở cấp trung ương và tổng thể ở địa phương.
2. Dự thảo dự toán NSNN 2023 tiếp tục thiếu thông tin cho phép đánh giá chi NSNN có đủ đảm bảo 20 % cho giáo dục, 2 % cho KHCN, 1 % cho Môi trường như yêu cầu của quy định hiện hành hay không.
3. Các vấn đề về dự toán thu NSNN năm 2023 và kế hoạch TCNS 2023-2025
• Dự báo số tăng thu quá thận trọng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay (chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát của năm 2022 và 2023 đều dự kiến cao hơn 5%). Tổng thu NSNN giai đoạn 2023-2025 chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN 03 năm 2020-2022, Dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, tỷ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016-2021 (trung bình 24,6 % tính theo GDP cũ và 18,5 % nếu tính theo GDP điều chỉnh). Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, thực tế gánh nặng thuế-phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm (chưa kể gánh nặng không chính thức), nên chúng tôi cho rằng các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi rõ vì dự báo sai.
• Chưa thấy báo cáo đề cập đến các phương án dự phòng trong trường hợp nguồn thu NSNN có biến động mạnh.
• Chưa có kịch bản khác nhau cho kế hoạch tài chính NSNN 3 năm hoặc trung hạn.
4. Cơ cấu chi NSNN có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư (dự toán chi đầu tư NSNN chiếm 35 % tổng chi cân đối NSNN 2023 tăng 2.4 điểm phần trăm, tăng 38 % về số tuyệt đối so với dự toán năm 2022) nhưng giải pháp cho việc giải ngân là chưa rõ. Nếu tiếp tục giải ngân kém như những năm vừa qua, thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
5. Tính chính xác của dự toán NSNN còn thấp (chênh lệch giữa dự toán NSNN được Quốc hội phê duyệt với Quyết toán NSNN sau đó còn lớn).
6. Tham vấn ý kiến về Dự thảo dự toán NSNN của các bên liên quan.
Dự thảo dự toán NSNN năm 2023 đã được công khai đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính vào ngày 25/10/2022. Bộ Tài chính có thể tổ chức các buổi toạ đàm, họp báo nhằm giới thiệu về Dự thảo dự toán NSNN hàng năm, tạo thêm cơ hội cho các tổ chức và người dân tham gia góp ý cho Dự thảo. Góp phần thực hiện các khuyến nghị từ kết quả Khảo sát công khai ngân sách quốc gia (OBS).
CDI Vietnam.
Chia sẻ: