Ngôn ngữ:

Hoạt động

Hội nghị đối thoại tham vấn ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

23/05/2012
10:05:20 23/05/2012

 

Ngày 23/3/2012 tại hội trường Huyện ủy huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động nhập cư tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam” do tổ chức Oxfam Đoàn Kết Bỉ và Oxfam Novib tài trợ, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đã phối hợp với LĐLĐ thành phố Hà Nội và LĐLĐ huyện Sóc Sơn tổ chức hội nghị “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo luật Lao động (sửa đổi) và luật Công đoàn (sửa đổi)”.

Tham dự hội nghị có đại biểu đại diện các ban ngành liên quan: Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – PCT LĐLĐ thành phố Hà Nội, đại diện Ban Nữ công, Ban Chính sách pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn – LĐLĐ TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn, đại diện phòng BHXH, phòng LĐTBXH huyện Sóc Sơn, đại diện Ban giám đốc và Công đoàn các Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn và các Doanh nghiệp thuộc KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn, cùng với công nhân đang làm việc tại các DN thuộc KCN và CN thuộc 6 nhóm CN của dự án.

Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Thanh Hà các đại biểu dự hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung cho dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) về nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo như: mức thu phí Công đoàn, vấn đề có cán bộ CĐ chuyên trách,tuổi nghỉ hưu, nghỉ thai sản cho CN nữ, quy định trình tự đình công, thời điểm chấm dứt hợp đồng của HĐ xác định thời hạn, thời gian làm thêm giờ, mức lương tối thiểu….

Một vài ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia Hội nghị:

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Công Đoàn Công ty Isan Về mức thu phí Công đoàn :

Đồng ý thu 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động. Có thêm kinh phí, tổ chức CĐ trong các DN có thể hỗ trợ thêm rất nhiều cho hoạt động CĐ và đoàn viên như tổ chức các buổi vui chơi cho CN vào các ngày Lễ, tết.

Đại diện Ban giám đốc – Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Sóc Sơn:

Thành lập tổ chức CĐ cơ sở: các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nên để từ 20 lao động trở lên thì phải thành lập công đoàn vì như vậy sẽ có 1 bộ máy đủ mạnh để có thể hoạt động hiệu quả.Nếu là chuyên trách thì mỗi DN cần có khoảng từ 200- 300 CN.

Nghỉ thai sản: Nên quy định vấn đề lựa chọn cho mọi người là 4 hay 6 tháng vì ở một số CTy nếu nghỉ 6 tháng họ sẽ cho CN nghỉ luôn vì thời gian nghỉ quá lâu sẽ không có người thay thế vào vị trí đó.

Công nhân công ty Nippon Konpo Việt Nam – KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội:

Mức thu phí CĐ: Hiện CĐ công ty Nippon Konpo việt Nam đang thu phí CĐ là 1% quỹ lương nhân viên, và dùng để khuyến khích CĐ của CTy thực hiện các hoạt động nhưng thực tế CTy chúng tôi vẫn chưa làm được gì và việc giữ lại 1% phí đó sẽ sử dụng như thế nào?Bây giờ đề xuất tăng lên 2%, mà công ty vẫn không có hoạt động gì, thì thực sự đoàn viên CĐ sẽ rất băn khoăn về việc sử dụng khoản tiền này đối với những người có trách nhiệm giữ nó.

Công nhân Công ty Zamil – KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội 

Tôi rất muốn các DN phải có sự công bằng cho CN vì CN chúng tôi là những người bị thiệt thòi.

Về thời gian làm thêm giờ chọn phương án 1 ” thời gian làm thêm giờ không quá 200h/năm , trừ một số trường hợp đặc biệt do CP quy định thì được làm thêm tối đa không quá 300 h/1 năm. – Đóng phí CĐ là 2% quỹ lương thực nhận Công nhân Công ty Yamaha Việt Nam – KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội Hợp đồng lao động xác định thời hạnđồng ý với phương án thời hạn của HĐ xác định thời hạn là từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Bởi nếu kéo dài thời hạn của HĐ xác định thời hạn, thì vô hình chung, NLĐ sẽ mất nhiều thời gian hơn để được ký HĐ không xác định thời hạn. Trong khi đó, quyền lợi của NLĐ ký HĐ không xác định thời hạn sẽ được đảm bảo hơn so với NLĐ ký HĐ xác định thời hạn.

Công nhân làm trong DN Sakura 

Vai trò CĐ trong việc tranh chấp lao động và đình công không hiệu quả vì không có tiếng nói thiết thực đối với người lao động. Với mức lương cơ bản là 2.140.000đ, như thế đã là quá thấp, trong khi đó Nhà nước chưa có chế độ trợ cấp độc hại phù hợp. Như tôi làm thợ hàn thì tiền trợ cấp độc hại là quá thấp không đủ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân do đó Nhà nước có thể tăng thêm khoản trợ cấp độc hại cho người lao động để cho phù hợp với đặc thù của từng nghề.

Kết thúc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – PCT LĐLĐ TP Hà Nội cảm ơn các đại biểu đã đóng góp vào dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) và bộ luật công đoàn( sửa đổi). Liên đoàn thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị của các địa biểu và gửi lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước khi Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) được chính thức ban hành vào tháng 18 tháng 6 năm 2012.