Ngôn ngữ:

Tin hoạt động

Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành may mặc

10/10/2021

Chỉ tính riêng tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm hơn 8% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái.

Người lao động làm việc trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe, kinh tế gần như kiệt quệ trong thời gian giãn cách kéo dài. Trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê.

Dự báo 3 tháng cuối năm 2021 toàn ngành dệt may sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng.

Đó là một số điểm nổi bật được nêu ra tại đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam” do Hiệp hội dệt may (VITAS) và Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (LEFASO) phối hợp với nhóm Hợp tác Công – Tư ( PPP – Public Private Partnership) tổ chức chiều ngày 8/10/2021. Tham gia đối thoại có các đại diện Chính phủ (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đại diện Doanh nghiệp (VITAS, LEFASO), đại diện Công đoàn (Viện Công nhân Công đoàn), đại diện Nhãn hàng (Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam AmCham, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam EuroCham).

241357055 1715411518665591 2440117128888490032 N

Chung sức giải bài toán thiếu hụt trầm trọng lao động và khôi phục bền vững ngành may mặc

Rất nhiều giải pháp được các bên tham dự đưa ra, trong đó coi trọng người lao động, điều chỉnh chính sách và đưa chính sách đến gần với người lao động, đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn được coi là các giải pháp then chốt.

Theo nghiên cứu do VITAS, LEFASO và nhóm Hợp tác Công – Tư (PPP) thực hiện và chia sẻ tại Đối thoại, cơ hội huy động người lao động trở lại làm việc là vẫn còn bởi tỷ lệ phủ ít nhất 1 mũi vắc xin của người lao động trong ngành khá cao (khoảng 73,6%), tỷ lệ người lao động di cư mong muốn trở lại làm việc tại nhà máy hiện tại lớn (khoảng 89%). Các doanh nghiệp lớn nên duy trì trợ cấp cho người lao động trong thời gian ngừng việc để tạo niềm tin và tăng cường sự gắn bó của người lao động. Bên cạnh đó, sự san sẻ gánh nặng chi phí xét nghiệm, phí ship và cam kết tiếp tục có đơn hàng sau khi giao dịch… của các nhãn hàng cũng góp phần đưa doanh nghiệp dệt may phục hồi nhanh chóng.

Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LEFASO, bà Phan Thị Thanh Xuân, công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án phòng chống dịch linh hoạt song hành cùng phương án sản xuất an toàn, kết hợp cùng các biện pháp hỗ trợ để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Dưới góc độ quản lý lao động, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Bình cho biết bên cạnh việc ban hành chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động, Nghị quyết 68, Quyết định 23 đang tiếp tục được sửa đổi theo hướng đơn giản hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận chính sách hỗ trợ thuận lợi, kịp thời.

Đại diện cho tập thể người lao động, Viện Công nhân Công đoàn đề nghị các bên cần quan tâm hơn nữa đến người lao động, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tài chính và chăm lo, tăng cường sức khỏe của người lao động.

Chương trình Đối thoại “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam” nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức Tổ chức May mặc Công bằng Fairwear, Công đoàn Hà Lan CNV Internationaal, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI); Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.

CDI Vietnam.