Ngôn ngữ:

Tin hoạt động

Tập huấn “Chuỗi cung ứng dệt may và Giám sát tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế tương thích với pháp luật Việt Nam”

03/06/2022

“Công đoàn và doanh nghiệp cần chủ động nhận diện rủi ro về lao động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhìn nhận vai trò của mình trong quá trình thẩm định kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, duy trì đối thoại với công ty mua hàng”. 

Đó là thông điệp từ tập huấn về “Chuỗi cung ứng dệt may và Giám sát tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế tương thích với pháp luật Việt Nam” được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Công đoàn Dệt May Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của hơn 30 thành viên Ban chấp hành công đoàn, cán bộ cấp quản lý, cán bộ nhân sự của các doanh nghiệp dệt may là thành viên của Công đoàn Dệt May Việt Nam. 

Z3464696632103 Bbced3ee85c79f738f1a75ed1e38f287

Tại buổi tập huấn, học viên và giảng viên đã cùng phân tích chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi và mối quan hệ tương quan giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng (công ty mua hàng, doanh nghiệp sản xuất, công ty vận chuyển, Công đoàn và người lao động). Các công ty mua hàng có quyền kiểm soát chuỗi cung ứng, trong khi nhà máy ở các nước sản xuất như Việt Nam với nguồn lực còn nhiều hạn chế, phần lớn đang thực hiện các công đoạn có giá trị thấp trong chuỗi cung ứng và chưa có sức ảnh hưởng tới công ty mua hàng. Để có được vị thế tốt hơn trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực và chủ động duy trì đối thoại và thương lượng tại cơ sở và với nhãn hàng. 

Bà Dương Thị Việt Anh – đại diện Tổ chức Fair Wear (Tổ chức May mặc công bằng) nhấn mạnh vai trò của các bên nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng. Trong tiến trình này, công đoàn – đơn vị đại diện người lao động có vai trò quan trọng, cần chủ động nhận diện rủi ro về lao động và môi trường, tham mưu cho doanh nghiệp về các biện pháp khắc phục, theo dõi việc thực hiện.

Học viên cũng được hướng dẫn để phân biệt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và trách nhiệm về quyền con người. Trong khi trách nhiệm xã hội là hoạt động mang tính tự nguyện và bổ sung, tồn tại riêng biệt chức năng và hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, trách nhiệm về quyền con người yêu cầu doanh nghiệp phải rà soát, và giải quyết các tác động thực tế hoặc tiềm ẩn về quyền con người, áp dụng các chính sách và thực tiễn vào hoạt động và chiến lược kinh doanh. 

Chị Huỳnh Thị Thu Nga – chuyên gia về đánh giá tuân thủ đã giới thiệu các tiêu chuẩn lao động và chứng nhận quốc tế như tiêu chuẩn của Better Work, Fair Wear, chứng nhận WRAP, tiêu chuẩn SA 8000, Chương trình tích hợp lao động & xã hội (SLCP) … và giải thích cụ thể các tiêu chuẩn lao động căn bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tương thích của tiêu chuẩn quốc tế với khung pháp lý của Việt Nam. 

Signal 2022 06 03 121951 003

Tập huấn được thiết kế với nhiều các hoạt động nhóm xen kẽ phần với phần chia sẻ của giảng viên đã giúp người tham dự hiểu thêm về cách thức nhận diện rủi ro và tác động của hoạt động kinh doanh trong Quá trình thẩm định kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng. Tập huấn đã tạo không khí cởi mở để người tham dự chia sẻ tình hình thực hiện các tiêu chuẩn lao động, thực hành tốt và cả những thách thức nội tại của doanh nghiệp và công đoàn.  

Signal 2022 06 03 142328 026 Signal 2022 06 03 121951 001 Signal 2022 06 03 122036 002 Signal 2022 06 03 121951 012 Signal 2022 06 03 122126 016

Chương trình tập huấn được đánh giá đã mang đến nhiều thông tin mới và hữu ích cho học viên. Người tham dự đặc biệt quan tâm đến vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia giám sát kinh doanh có trách nhiệm, và đề xuất các nội dung chi tiết hơn về tiêu chuẩn lao động quốc tế, kỹ năng đối thoại – thương lượng tại nơi làm việc và với công ty mua hàng.  

Tập huấn về Chuỗi cung ứng dệt may và giám sát tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế tương thích với pháp luật Việt Nam là hoạt động đầu tiên trong dự án “Sáng kiến dệt may bền vững: Cùng nhau thay đổi (STITCH), hợp phần hợp tác giữa CDI và Công đoàn dệt may Việt Nam. 

Khóa tập huấn được thực hiện với mục tiêu: Công đoàn dệt may Việt Nam, Công đoàn cơ sở và quản lý các bộ phận có liên quan trong các doanh nghiệp thuộc hệ thống Công đoàn dệt may Việt Nam hiểu rõ hơn về:   

  • Chuỗi cung ứng, mối quan hệ giữa nhãn hàng/bên mua hàng và nhà cung ứng/các nhà máy sản xuất; 
  • Các khuôn khổ pháp lý liên quan đến Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng, các bước thẩm định chuỗi cung ứng có trách nhiệm; 
  • Các tiêu chuẩn lao động quốc tế, tương thích như thế nào với pháp luật lao động Việt Nam và chính sách hiện có của doanh nghiệp; 
  • Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia giám sát và thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. 
  • Cán bộ Công đoàn hiểu về các quy định pháp luật có liên quan và có khả năng đưa các vấn đề của người lao động vào Đối thoại tại nơi làm việc và Thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.  

 CDI Vietnam.